10:02 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam

10:02 13/09/2022

(THPL) - Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác.

Việc quốc gia này hạn chế xuất khẩu sẽ giáng một cú đánh mạnh hơn vào những quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và nạn đói ngày càng trầm trọng.

Đáng nói, mức thuế mới có thể khiến các nhà nhập khẩu "rời" Ấn Độ và chuyển hướng sang các đối thủ như Thái Lan, Việt Nam và những quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tăng lượng xuất khẩu và tăng giá.

Liên quan đến giá gạo của Việt Nam, theo Reuters đưa tin, hiện giá gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn trong ngày 12/9, tăng khoảng 20 USD so với mức giá 390 - 393 USD/tấn vào tuần trước.

Theo báo Công thương, ông Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, không chỉ Ấn Độ mà hiện nay nguồn cung gạo tại nhiều nước xuất khẩu gạo đang suy giảm. Do đó, việc áp thuế 20% với gạo xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.

Thực tế, mới đây, Bộ Nông nghiệp Indonesia thông tin, sản lượng lúa 8 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 49,82 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với mục tiêu 54,89 triệu tấn cho năm 2022.

Ấn Độ áp thuế 20% với gạo xuất khẩu, giá gạo Việt Nam tăng mạnh. Ảnh minh hoạ

Việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu là tin vui với gạo Việt Nam. Bởi lâu nay gạo Việt Nam luôn bị cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan về giá. Lý giải rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, trong giai đoạn 2017 – 2018, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 8 – 9 triệu tấn gạo/năm và giá gạo Việt Nam giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này rất tốt. Tuy nhiên đến năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên gấp đôi và đạt mức hơn 21 triệu tấn vào năm 2021. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu trên thị trường bị giảm xuống.

“Mới đây, Việt Nam và Thái Lan đã cùng nhau thảo luận giải pháp để nâng giá gạo lên, giúp người nông dân có được lợi nhuận. Do đó, động thái áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu được xem là một trong những giải pháp để cải thiện giá gạo của quốc gia này trong thời gian tới. Dự báo vụ đông xuân 2023 giá lúa gạo sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thành nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice đánh giá, đây là cơ hội cho gạo Việt gia tăng cả về số lượng đơn hàng và giá trị. Tuy nhiên, về mặt đơn hàng, ông Phan Văn Có cho rằng, Việt Nam sẽ không được hưởng lợi nhiều. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển của Việt Nam đi các thị trường của gạo Ấn Độ rất cao.

"Hiện nay, gạo Ấn Độ chủ yếu xuất đi thị trường châu Phi. Trong tháng 9, cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi thị trường châu Phi mặc dù đã giảm so với tháng 8, song vẫn dao động ở mức 4.000 – 6.000 USD/container 40 feet, cao gấp 2 lần so với mức giá vận chuyển từ Ấn Độ sang châu Phi", ông Phan Văn Có phân tích.

Theo báo VTV News, năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21 triệu tấn gạo, đứng đầu thế giới. Gạo xuất khẩu của Ấn Độ bằng tổng lượng của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Các nguồn tin cho hay, hiện ngay lúc này, khoảng 1 triệu tấn gạo đang mắc kẹt tại các cảng của Ấn Độ khi các nhà buôn không chấp nhận việc Ấn Độ bất thình lình đánh thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo ngoài Basmati. Các tính toán cho thấy gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay nhiều khả năng sẽ sụt giảm ít nhất 1/4 vì các bước đi này.

Gạo Ấn Độ chiếm tới 40% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Do đó, giới chuyên gia lo ngại nó sẽ đẩy giá lương thực vào đợt lạm phát mới. Trong khi Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ Krishna Rao cho rằng, việc thiết lập lệnh cấm và thuế suất như vậy sẽ khiến thị phần gạo của Ấn Độ bị rơi vào tay các nhà xuất khẩu gạo lớn khác hiện nay như Thái Lan và Việt Nam.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu