21:01 ngày 16/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

8 trường hợp được chi trả 100% theo mức hưởng của thẻ BHYT

12:59 04/01/2021

(THPL) - Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT.

Theo đó, tại Điều 6 của thông tư này quy định các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến gồm các trường hợp sau:

Thứ nhất, người tham gia BHYT đến KCB đúng cơ sở ghi trên thẻ BHYT.

Thứ hai, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám ở các cơ sở khác cùng tuyến trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được KCB tại bất kỳ cơ sở nào trên phạm vi toàn quốc.

Thứ tư, người tham gia BHYT được chuyển tuyến theo các quy định tại: Điều 10 và Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015; tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018; theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BYT ngày 26-2-2016.

Thứ năm, người có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian công tác, làm việc lưu động, tạm trú… và KCB tại cơ sở KCB cùng tuyến hoặc tương đương cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

8 trường hợp được chi trả 100% theo mức hưởng của thẻ BHYT (ảnh minh họa)

Thứ sáu, người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định.

Thứ bảy, người hiến bộ phận cơ thể mình phải điều trị ngay khi hiến bộ phận cơ thể.

Thứ tám, trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Theo báo Người lao động, thông tư này cũng quy định, Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người đã hiến bộ phận cơ thể của mình theo quy định pháp luật trong trường hợp phải điều trị ngay khi phẫu thuật viên kết thúc thực hiện lấy bộ phận cơ thể người hiến. Quỹ BHYT không thanh toán các chi phí KCB đã được tính vào chi phí thuộc quy trình lấy bộ phận cơ thể của người hiến hoặc đã được chi trả bởi nguồn tài chính khác.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2021.

Trước đó, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 đã có quy định về việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2016, việc thông tuyến được thực hiện tại tuyến huyện và từ năm 2021 áp dụng đối với tuyến tỉnh.

Liên quan đến vấn đề trên, báo VOV cho hay, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Tất cả người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh thì đều được Quỹ BHYT chi trả. Trước đây, nếu muốn khám ở tuyến tỉnh thì người có thẻ BHYT phải đăng ký tại cơ sở tuyến tỉnh hoặc là chuyển tuyến huyện lên, còn nếu có thẻ BHYT tuyến xã thì sẽ chuyển lên tuyến huyện rồi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Nay những người này có thể đến thẳng tuyến tỉnh trong trường hợp cần thiết nhập viện điều trị thì sẽ được hưởng quy định gọi là thông tuyến tỉnh từ 1/1/2021".

Chính sách thông tuyến đã và đang góp phần đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia bảo hiểm y tế, bởi trên thực tế, nhiều trường hợp mua thẻ bảo hiểm y tế ở một nơi nhưng vì lý do học tập hay công việc mà phải đến một nơi khác sinh sống, đến khi bị ốm đau, bệnh tật cần điều trị tại cơ sở y tế gần nhất sẽ không được đảm bảo quyền lợi khi chưa thông tuyến.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu