15:41 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm 2024

19:26 01/03/2024

(THPL) - Xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 khi kim ngạch đạt gần 114 tỷ USD, tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD).

Về nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD.

Ở chiều xuất khẩu, kim ngạch thực hiện tháng 2/2024 ước đạt 24,82 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,62 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,2 tỷ USD. Như vậy, trong 2 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của cả ước đạt 59,34 tỷ USD, với 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm 2024. Ảnh minh hoạ

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8,1 tỷ USD, sang Nhật Bản đạt 4,0 tỷ USD...Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD, nhập từ ASEAN đạt 6,5 tỷ USD, từ EU 7,7 tỷ USD...

Liên quan đến kết quả trên, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Xuất nhập khẩu hàng hoá tăng cao cũng thúc đẩy cho sản xuất trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho cả 3 khu vực là nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Đây chính là những động lực thúc đẩy tăng trưởng".

Năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. 

Trước đó, để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch.

Bên cạnh đó, ngành công thương phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác. Cùng với đó, ngành công thương cần giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; đồng thời, thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác như triển khai nhiều hơn các chương trình giúp doanh nghiệp của các đối tác lớn tiếp cận được với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, cần có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đặc biệt cần giảm thuế cho các mặt hàng máy móc, thiết bị từ các thị trường mà Việt Nam đang có thặng dư thương mại…

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu