19:08 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất nhập khẩu hàng hoá khởi sắc trở lại trong tháng 6/2023

11:44 12/07/2023

(THPL) - Xuất khẩu hàng hóa đã bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại trong tháng 6. Và đóng góp quan trọng cho chiều hướng khởi sắc của hoạt động xuất khẩu là các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy vi tính, dệt may.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 6/2023 đạt 29,45 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 5/2023. Đóng góp quan trọng cho chiều hướng khởi sắc trở lại của hoạt động xuất khẩu là các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy vi tính, dệt may…

Theo đó, trong tháng 6 có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ. Có 5/7 nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng dương so với tháng trước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 37,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 13,2%; dệt may đạt 3 tỷ USD, tăng 4,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,17 tỷ USD, tăng 0,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 3,7%. Như vậy, xuất khẩu hàng hóa đã bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại trong tháng 6.

Trong xu hướng suy giảm của xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, một số mặt hàng vẫn có sự tăng trưởng. Cụ thể, sau 6 tháng, xuất khẩu rau quả vẫn ghi dấu ấn với 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Trong đó, 5 loại trái cây chiếm giá trị cao nhất (84%), gồm: sầu riêng (37%), thanh long (19%), chuối (12%), mít (9%), xoài (7%); còn lại là các loại quả như: dưa hấu, dừa, ớt, chanh leo…

Xuất nhập khẩu hàng hoá khởi sắc trở lại, dự báo bứt phá trong nửa cuối năm 2023. Ảnh minh hoạ

Theo nhận định của một số doanh nghiệp, không chỉ gạo hay rau quả, các mặt hàng như mì ăn liền, bún phở, gia vị xuất khẩu, cũng đang tăng trưởng 10 - 30%. Các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm nhiều tới sản phẩm của Việt Nam vì giá cả cạnh tranh và chất lượng được cải tiến.

Trái ngược với hàng thiết yếu, những mặt hàng lâu nay được coi là xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản tiếp tục có sự sụt giảm lớn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cạn đơn hàng. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là từ sự co hẹp chi tiêu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU.

Đề cập đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù có dấu hiệu khởi sắc trong xuất khẩu hàng hóa nhưng DN xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản còn rất khó khăn về đơn hàng. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là từ sự co hẹp chi tiêu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU. Xuất nhập khẩu tác động trực tiếp tới công ăn việc làm và thu ngân sách. Do đó, những giải pháp hỗ trợ DN duy trì được động lực sản xuất, xuất khẩu là một trong những trọng tâm cần được cơ quan nhà nước đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt các cắt giảm thủ tục hành chính, để đảm bảo tăng trưởng của cả nền kinh tế trong thời gian tới.

"Nhiều yếu tố chủ quan mà Việt Nam có thể làm, đó là cắt giảm chi phí trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài việc giảm thuế, hoãn thuế phải nộp thì chúng ta có thể giảm các loại phí. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu