20:18 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu túi xách, ví, va li...hướng đến mốc 4 tỷ USD

19:24 21/10/2022

(THPL) - Trong 9 tháng của năm 2022, nhờ dịch bệnh được kiểm soát, cùng với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, việc xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đứng thứ 15 trong các mặt hàng xuất khẩu của cả nước.

Theo báo Đầu tư, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã tăng cao gấp đôi tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (37% so với 17,2%), hay tăng trên 844 triệu USD, cao thứ 10 trong các mặt hàng.

Mặt hàng này có trên kệ ở hàng loạt siêu thị trên thế giới, thuộc loại nhiều thị trường nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, trong 41 thị trường chủ yếu, có 22 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Mỹ lên tới 1.418 triệu USD, tiếp đến là Nhật Bản 256 triệu USD, Hà Lan 199 triệu USD, Đức 147 triệu USD, Canada 142 triệu USD).

Trong 41 thị trường chủ yếu, có 28 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 thị trường có mức tăng lớn (trên 10 triệu USD), lớn nhất là Mỹ lên tới 438 triệu USD, tiếp đến là Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Đức…

Trước những kết quả trên, một số chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù năm 2022 với 2 phương án.

Phương án 1, với giả thiết kim ngạch mặt hàng này bình quân 1 tháng trong 3 tháng cuối năm đạt bằng mức của tháng 9 (xấp xỉ 295 triệu USD); tính ra 3 tháng cuối năm đạt 885 triệu USD; cộng với kim ngạch đã đạt được trong 9 tháng (3.078 triệu USD) thành cả năm 2022 sẽ đạt 3.963 triệu USD.

Phương án 2 vừa thể hiện quyết tâm, vừa thể hiện tính khả thi, với giả thiết bình quân 1 tháng trong 3 tháng cuối năm đạt bằng với mức bình quân của 8 tháng đầu năm (đạt 348 triệu USD), thì 3 tháng cuối năm 2022 đạt 1.044 triệu USD, tính ra cả năm đạt 4.122 triệu USD.

Theo đó, phương án 1 đạt (cán mốc) 4 tỷ USD, phương án 2 vượt qua mốc 4 tỷ USD.

Nguồn: báo Đầu tư

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Trong 9 tháng, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 89% tổng xuất khẩu cả nước. Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 48%; Túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 40%; Hàng dệt và may mặc tăng 24%; Giầy, dép các loại tăng 36,6%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,3%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 10,7%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 38,9%...

Theo tin từ Bộ Công Thương, nhận định tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm, Bộ cho biết, dịch COVID-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm. Cùng với đó, tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới.

Về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn.

Bộ Công Thương cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường cũng xuất hiện nhiều bất lợi như tác động của thị trường xăng dầu thế giới cùng nhiều yếu tố địa chính trị khác sẽ tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững, đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Bộ sẽ thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới và cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, để tăng xuất khẩu, cần mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng và vấn đề quan trọng là thị trường. Cần khai thác lợi thế có lực lượng lao động đông đảo, có tay nghề khá, có giá nhân công rẻ…; lợi thế về thị trường cùng tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu