21:14 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kênh xuất khẩu trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng tại Việt Nam

10:23 05/12/2023

(THPL) - Hiện nay, xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2022 và đang tiếp tục tăng mạnh, dự báo sớm cán mốc trên 10 tỷ USD.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra hành trình xuất khẩu cho nhiều sản phẩm hàng hóa, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã kể cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ...

Tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) cho doanh nghiệp (DN) còn rất lớn. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu DN trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Nắm bắt xu hướng chung của thương mại toàn cầu, nhiều DN Việt thời gian qua đã và đang nỗ lực đầu tư vào chuyển đổi số, thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng số, qua các kênh TMĐT.

Theo ông Hoàng Thất Tiêu - Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu về lĩnh vực thời trang cho biết, từ khi chưa bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh đã nhận thấy tương lai của phương thức bán hàng truyền thống sẽ không sáng sủa. Ông nghĩ đến TMĐT và quyết định thành lập công ty.

“Phương châm của người đứng đầu DN là luôn đề cao sức mạnh của sự đoàn kết và hợp tác tập thể, kết hợp ăn ý, vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm của các đồng nghiệp để tạo nên sự tự tin cần có. Năm 20 tuổi, bản thân thành lập DN chỉ vỏn vẹn có 3 người, 10 năm sau DN đã có 20 nhân viên hoạt động hiệu quả” - ông Tiêu chia sẻ.

Xuất khẩu trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, tiếp tục hai làn sóng tăng trưởng trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Cụ thể, VECOM đã chỉ ra, hai dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử hiện nay có thể kể đến là: Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; Đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử. Xuất nhập khẩu trực tuyến cũng được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Còn theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, nền kinh tế kỹ thuật số được dự đoán tăng trưởng nhanh chóng và có thể coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.

Cho rằng thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng, bà Hà cho hay, xu hướng của người tiêu dùng có ảnh hưởng tới nền kinh tế số, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ là cơ hội cho thương mại điện tử bởi mua sắm online là một trong những biện pháp giúp người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong thời kì suy thoái kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này.

Để thiết lập một nền tảng thương mại điện tử thích hợp, doanh nghiệp cần đảm bảo nhà cung cấp hiểu hoạt động kinh doanh trực tuyến và nắm bắt được các kịch bản kinh doanh. Từ đó, tạo ra các trải nghiệm thú vị trong cửa hàng trực tuyến như có thể làm trong cửa hàng truyền thông. Đồng thời, cần xem xét liệu hành trình của khách hàng có được thực hiện hay không và cần xác định doanh thu lớn không phải là mục tiêu; tập trung nhiều hơn vào việc nhận thức và vận hành.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử đã cho thấy, xu hướng Omni shopper (người mua sắm đa kênh) đang trở nên thịnh hành. Theo báo cáo của Repota 2023, Omni shopper vẫn tiếp tục duy trì vị trí quan trọng trong lĩnh vực mua sắm. Các kênh mua sắm phổ biến nhất hiện nay được người Việt tin tưởng lựa chọn là website thương mại điện tử với 78%, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... là 42% và 47% qua ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động...

Mặc dù một số người lo ngại về vấn đề an toàn và bảo mật trên mạng, tỷ lệ người dùng tiếp tục mua sắm trực tuyến trên các kênh vẫn còn rất cao. Điều này cũng cho thấy, cánh cửa về thương mại điện tử xuyên biên giới luôn rộng mở đối với các doanh nghiệp.

Về những giải pháp đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế cùng TMĐT xuyên biên giới, bà Lại Việt Anh Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam đã phối hợp với các sàn TMĐT có những chương trình đào tạo, kết nối góp phần giúp các DN nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết một cách bài bản, có hệ thống với những thông tin đã được đảm bảo, liên tục để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới.

Giới chuyên gia nhận định, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các DN cũng cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu; trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu cơ hội, đặc biệt ở các thị trường có các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã hợp tác và ký kết.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu