01:43 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đem về hơn 38 tỷ USD sau 9 tháng

19:30 29/09/2023

(THPL) - Dù giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chính giảm sâu nhưng nông, lâm, thuỷ sản vẫn mang về hơn 38 tỷ USD sau 9 tháng.

Tại cuộc họp báo quý III diễn ra sáng nay 29/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, tính chung 9 tháng, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, nhóm thuỷ sản; lâm sản và đầu vào sản xuất đều giảm. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng. Cụ thể, nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.

Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính như cao su, chè, hạt điều, hồ tiêu giảm. Riêng giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn) và cà phê 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mang về hơn 38 tỷ USD sau 9 tháng. Ảnh minh hoạ

Về thị trường, Bộ NN-PTNT cho biết giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%; châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Mỹ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời gian tới, Bộ NN-PTNT cho biết đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...

Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng phương án chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước các dịp lễ cuối năm.

Tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch (vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh...).

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu