18:43 ngày 20/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 22 tỷ USD trong 5 tháng

19:30 10/06/2024

(THPL) - Trong những năm gần đây, sự gia tăng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp điện tử. Và Việt Nam đã thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, LG, Apple đến đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất.

Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.

Năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ nhất trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD; dệt may đạt 33,3 tỷ USD; giầy dép đạt 20,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD.

Năm 2024, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 5 là một trong những mặt hàng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất so với tháng 5/2023. Riêng trong tháng 5, mặt hàng này đã thu hơn 4,4 tỷ USD, tăng 50,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cán mốc 22,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với 5 tháng năm 2023.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 22 tỷ USD trong 5 tháng. Ảnh minh hoạ

Về thị trường, kết thúc tháng 4/2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với trị giá xuất khẩu đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 với hơn 3,4 tỷ USD, tuy nhiên giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc với trị giá xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng liên quan đến ngành điện tử, theo báo cáo từ HSBC cho biết, kể từ năm 2021, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Việt Nam đã giành 13% thị phần, nhanh chóng vượt qua Ấn Độ vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, trong năm 2024, thị trường smartphone tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 4 tỷ USD, mức tăng trưởng kép 1,45% trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2028. Đến năm 2024, doanh số tiêu thụ smartphone tại Việt Nam sẽ đạt 21,4 triệu chiếc.

Trước những số liệu trên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của ngành điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Theo đó, các ông lớn ngành công nghệ ngày càng coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư, nổi bật là Samsung. Sau 15 năm hiện diện, Samsung đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp gần 30 lần, lên tới khoảng 20 tỷ USD vào cuối năm 2022...

Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ ràng hơn, các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều đạt mức tăng rất cao.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa …

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu