15:40 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu chè vẫn gặp khó trong những tháng cuối năm 2023

Minh Anh (t/h) | 18:58 04/08/2023

(THPL) - Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè trong nửa cuối năm 2023 sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức bởi sức cầu yếu.

Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 6/2023 đạt 9,7 nghìn tấn, trị giá 17,1 triệu USD. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2023 đạt 1.771 USD/tấn. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu chè đạt 48,3 nghìn tấn, trị giá 81,5 triệu USD, giảm 15,7% về lượng và giảm 20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.689,5 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, hiện nay, ngành chè Việt đã có những bước tiến tích cực. Năng suất và sản lượng chè liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Trong hoạt động chế biến chè, đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến chè với mức độ cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại nhiều doanh nghiệp.  Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.

Xuất khẩu chè vẫn gặp khó trong những tháng cuối năm 2023. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, dự báo, xuất khẩu chè trong nửa cuối năm 2023 sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức bởi sức cầu yếu.

Xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều có xu hướng giảm và chưa có tín hiệu tích cực. Đơn cử, chè xuất khẩu tới thị trường lớn nhất là Pakistan trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18,5 nghìn tấn, trị giá 34,9 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về cơ bản, sản xuất chè của Việt Nam vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Cụ thể, sản xuất chè trong nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô sản xuất nhỏ bình quân khoảng 0,2 ha/hộ. Ðiều này khiến cho chất lượng sản phẩm chè của nước ta không đồng đều và khó đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Liên quan đến cây chè, theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Do cơ cấu giống chưa hợp lý nên chè đen vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với 55% sản lượng, chè xanh chiếm 44%, các loại chè khác chỉ chiếm 1%. Trong khi đó, trên thế giới cơ cấu giống chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2%; giống cho chế biến chè Ô long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%.

Bên cạnh đó, khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn. Hiện cả nước có 370 tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, có nơi một ha chè đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm. Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, thậm chí làm rối loạn thị trường xuất khẩu, không kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian không những làm tăng giá đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư, nhân công trong khâu chế biến, giảm chất lượng chè thành phẩm.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng. Thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam được đánh giá còn khá nghèo nàn về tính đa dạng sản phẩm và chất lượng cũng chưa cao. Hiện nay tuy đang đứng thứ 5 trên toàn thế giới về xuất khẩu chè, song phần lớn sản lượng chè xuất khẩu chỉ chủ yếu là xuất sang các thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu