04:05 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản dần hồi phục trong tháng 11/2023

18:44 01/12/2023

(THPL) - Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%...

Cùng với tiêu dùng và đầu tư, xuất khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trên "cỗ xe tam mã" đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua những thách thức. Việc tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới đang không ngừng được các doanh nghiệp thúc đẩy với sự hậu thuẫn tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, hướng tới mục tiêu sớm phục hồi kinh tế đất nước. 

Với ngành thuỷ sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc tháng 11/2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD. Riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu tăng 6% so với tháng 11/2022, đạt gần 840 triệu USD. Đáng chú ý, trừ nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%...

Cụ thể, tính tới hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu cá tra đã đạt gần 1,7 tỷ USD. Giá trung bình xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile, thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Xuất khẩu tôm tới hết tháng 11/2023 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm cũng bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ như Hồng Kông (Trung Quốc) và Thụy Sỹ tăng 5%, Đài Loan tăng 19%.

Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản dần hồi phục trong tháng 11/2023. Ảnh minh hoạ

Xuất khẩu cá ngừ 11 tháng đầu năm đạt khoảng 774 triệu USD. So với các mặt hàng khác, cá ngừ có tín hiệu tích cực hơn. Dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn giảm 35%, nhưng nhiều thị trường như EU, Thái Lan, Israel, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Philippines, Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Các sản phẩm loin cá ngừ hấp và cá ngừ đóng hộp có nhu cầu tốt hơn so với cá đông lạnh phile, cắt khúc…

Các loại cá khác, chủ yếu là cá biển tới hết tháng 11 đã mang về doanh số 1,74 tỷ USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ, cua ghẹ tới hết tháng 11 vẫn tăng trưởng âm từ 10-13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với diễn biến trên, dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, cá ngừ đạt 850 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD.

Liên quan đến ngành thuỷ sản, trước đó tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” mới đây, bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: "Bức tranh của ngành thuỷ sản nửa cuối năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024".

Để tận dụng được những lợi thế sẵn có, đón đầu cơ hội từ thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, bà Oanh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, thương nhân cần tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu.

Đồng thời cần tập trung vào chọn giống các đối tượng nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu giống; tổ chức sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các hoạt động cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị, chất lượng, khẳng định thương Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là vấn đề cơ bản, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm.

Để có thể thúc đẩy và phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững và nâng tính cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với định hướng phát triển xuất khẩu theo các nhóm hàng cụ thể để phát huy lợi thế so sánh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc thân thiện với môi trường..., việc cần xây dựng những giải pháp cho phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, mở rộng hơn các thị trường xuất khẩu để đảm bảo hợp lý hóa cán cân thương mại với các nước đối tác là rất quan trọng lúc này.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại và chống gian lận, hướng tới thương mại công bằng; đồng thời, huy động và sử dung hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu và nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics....

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu