10:17 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2022 nước ta phục hồi mạnh mẽ

10:02 11/04/2022

(THPL) – Quý I năm 2022, xuất khẩu của nước ta phục hồi mạnh mẽ khi tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là cơ sở để các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho xuất khẩu trong các quý tiếp theo, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2022.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, tình hình tiêu thụ gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản… hiện rất thuận lợi, đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 7,27 tỷ USD trong quý I-2022. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10% thì tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt gần gấp đôi ở mức 19,7%. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh do nhu cầu của các thị trường đều cao. Cụ thể trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 920 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý I đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu nông sản đạt 7,27 tỷ USD trong quý I-2022.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I-2022 ước đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I-2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%). Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu khi đạt tới 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I-2021 và chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng tới 22% cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Hầu hết các thị trường đều có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I-2022 của thành phố ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là dệt, may đạt 637 triệu USD, tăng 48,7%; máy tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 560 triệu USD, tăng 10,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 384 triệu USD, tăng 21,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 234 triệu USD, tăng 52,2%; hàng nông sản đạt 208 triệu USD, tăng 26,2%...

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu cả nước cho thấy sự điều hành thống nhất, linh hoạt, đúng hướng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các chỉ tiêu, lĩnh vực, ngành nghề xuất khẩu đều phục hồi mạnh mẽ là kết quả của việc nền kinh tế đã sớm trở lại “bình thường mới”. Đáng chú ý, kết quả xuất siêu trong quý I-2022 cho thấy khả năng xuất siêu liên tục của nền kinh tế Việt Nam, nếu không có dịch Covid-19 chắc chắn sẽ còn cao hơn.

Mặc dù đạt kết quả tích cực, song hoạt động thương mại của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức. Đó là diễn biến khó lường của dịch Covid-19; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng… Ngoài ra, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn gặp một số khó khăn do chính sách chống dịch của nước bạn.

Liên quan tới vấn đề chậm thông quan tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đã cùng các bộ, ngành Việt Nam và phía Trung Quốc tìm nhiều giải pháp tháo gỡ. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu bằng đường biển, đường sắt…

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Tài, hơn 80% kinh phí của chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022 sẽ dành cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm 2022, Bộ tổ chức định kỳ hằng quý các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại cùng 30 phiên tư vấn xuất khẩu với các thị trường trên thế giới, nhằm hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp kết nối với các thị trường tiềm năng, tăng hiệu quả giao thương với các đối tác.

Để hoạt động xuất khẩu phát huy thành quả trong thời gian tới, đại diện các hiệp hội ngành hàng mong muốn, cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại… Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc khai thác tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại cũng cần tiếp tục chú trọng bên cạnh việc áp dụng các giải pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu