15:09 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xoài Cao Lãnh xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”

| 20:24 23/12/2017

(THPL) - Xoài Cao Lãnh hiện được xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...

Theo báo Thanh niên, nhà vườn Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện trồng 2 giống xoài ngon là cát Hòa Lộc và cát chu, cho trái quanh năm, đảm bảo thực hiện các hợp đồng tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sang những thị trường "khó tính" như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...

Với giá xoài cát Hòa Lộc hiện nay trên 80.000 đồng/kg, người trồng xoài đạt lợi nhuận trên 139 triệu đồng/ha, xoài cát chu trên 22.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 63 triệu đồng/ha. 

xoài Cao Lãnh, xuất khẩu
Xoài Cao Lãnh xuất khẩu sang những thị trường "khó tính" như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...

Theo báo Đồng Tháp, Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 9.300ha, sản lượng hàng năm đạt 90.000 tấn. Giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu (chiếm 70% diện tích), cát Hòa Lộc (chiếm 20% diện tích).

Trước đây, hầu như nhà vườn chỉ quan tâm đến vấn đề sản lượng mà chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường, dẫn đến thực trạng dội chợ do sản lượng tập trung cùng lúc quá nhiều. Chất lượng xoài cũng không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu khi bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, chế biến trong nước.

Nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu cũ đã không còn phù hợp cộng với sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, nhiều nhà vườn mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với diện tích được áp dụng hơn 100ha. Nhiều nhà vườn nhận định, không chỉ riêng thị trường xuất khẩu mới đòi hỏi về sản phẩm an toàn mà người tiêu dùng trong nước cũng không ngoại lệ. Nông dân trồng xoài muốn tồn tại thì phải sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Đoàn Thanh Hiền - xã viên Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn chia sẻ: “Khi người tiêu dùng bắt đầu đòi hỏi sản phẩm xoài không chỉ chất lượng mà còn phải an toàn, gia đình tôi áp dụng sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Hiện nay, mặt hàng xoài địa phương đã xuất khẩu sang nước ngoài, vệc áp dụng theo quy trình sẽ giúp cho xoài địa phương “giữ chân” người tiêu dùng ngoài nước lâu dài hơn”.

Thạc sĩ Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt – Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, đề xuất định hướng thị trường tiêu thụ xoài, trong đó ưu tiên xuất khẩu xoài trái tươi sang các thị trường gần trong khu vực (Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Úc,...) do đặc điểm xoài Đồng Tháp vỏ mỏng, thời gian chín sinh lý ngắn, chi phí vận chuyển cao.

Theo đó, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đàm phán để xoài Đồng Tháp được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường có tiềm năng lớn trong khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Malaysia; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hợp tác xã/tổ hợp tác tại các vùng nguyên liệu để tiêu thụ xoài loại 2 và loại 3 nhằm giảm áp lực đáng kể lên xuất khẩu đối với trái tươi (thời gian chín, vận chuyển và hàng rào kỹ thuật phức tạp) phục vụ và tiếp cận thị trường xa, khó tính như Mỹ và châu Âu.

Theo ông Kiệt, khi xem xét xuất khẩu xoài trái tươi sang hai thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, địa phương cần xác định rõ các vấn đề như kích cỡ xoài Đồng Tháp có phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; giá bán có thể cạnh tranh được với giá xoài Nam Mỹ; loại hình và giá cước vận chuyển; sản phẩm có đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cho các thị trường này...

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu