08:29 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không: Sao cứ phải ACV?

09:37 25/03/2020

(THPL) - Đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) độc quyền 22 Cảng hàng không, chỉ xã hội hoá 3 cảng của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đã “vấp” phải sự “phản đối” của các chuyên gia. Bởi nếu đề xuất này được thông qua, ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận và bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác…

Dư luận phản ứng trái chiều

Theo đó Bộ GTVT đang lấy ý kiến đề xuất về “Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

Với đề án này, Bộ GTVT lại đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) độc quyền 22 Cảng hàng không, chỉ xã hội hoá 3 cảng tại Sa Pa, Lai Châu và Quảng Trị. Đây là các cảng hàng không nhỏ nằm địa bàn khó khăn, sản lượng khách tiềm năng không cao.

Ngay sau khi đề xuất được đưa ra lấy ý kiến từ các Bộ, Ban, ngành đã “vấp” phải sự “phản kháng” trái chiều từ dư luận.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định, cổ đông nước ngoài ở ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận và bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác, cũng như bất công với các hãng hàng không và hành khách sử dụng dịch vụ.

ACV lại được đề xuất khai thác độc quyền độc quyền 22 cảng hàng không lớn của cả nước (Ảnh: internet)

Đặc biệt, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT để trả lời về đề xuất của bộ GTVT. Trong đó, Bộ Tư pháp trong nêu rõ, Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) để làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chỉ thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.

Về đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị cần xem xét lại vì ACV là một công ty cổ phần, không phải là cơ quan Nhà nước để thay mặt Nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không.

Cần hỗ trợ hàng không giữa “bão dịch”

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đã gửi Bộ KH&ĐT văn bản thống kê thiệt hại sơ bộ ban đầu của các hãng hàng không nội địa là khoảng 30.000 tỷ đồng.

Con số thiệt hại này có thể còn tăng lên khi hàng loạt đường bay bị cắt giảm, hành khách di chuyển bằng đường không giảm sút nghiêm trọng, số tàu bay “đắp chiếu” lên tới hơn 100 tàu. Không chỉ vậy, các hãng hàng không Việt còn thiệt hại về chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ cũng như chi phí vệ sinh phòng dịch.

Tính chung, một chiếc tàu bay đang phải “chở” hơn 20 loại phí, chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm... Ước tính sơ bộ tổng chi phí dịch vụ mà các hãng hàng không phải trả hàng năm lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bởi vậy, mà các hãng hàng không Việt cần được san sẻ từ doanh nghiệp như ACV. 

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có hàng không. Việc chịu quá nhiều thuế, phí trong bối cảnh nhiều đường bay bị tạm dừng khiến doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng. “Doanh nghiệp hàng không đang chịu rất nhiều thuế, phí. Chính phủ nên cân nhắc việc giảm hoặc miễn thuế để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”…

Doanh nghiệp hàng không Việt đang điêu dứng trước dịch Covid-19. (Ảnh: internet)

Ông Dương Trí Thành – CEO Vietnam Airlines chia sẻ, để đảm bảo các chuyến bay được vận hành trong giai đoạn khốc liệt này, Cục Hàng không cần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% giá dịch vụ điều hành bay cho các hãng hàng không đối với chuyến bay đi, đến nội địa.

“Doanh nghiệp đã có những kiến nghị được hỗ trợ. Có phải họ đang ngửa tay xin không? Không phải! Họ đáng được hỗ trợ, xứng đáng được hỗ trợ. Đặc biệt, họ cần được san sẻ từ những doanh nghiệp hàng không lâu nay siêu lãi nhờ các giá, phí thu được từ các hãng hàng không. Đó là ACV - doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 95% cổ phần với lợi nhuận biên khủng trên dưới 50% doanh thu, có hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng lấy lãi”, TS Lương Hoài Nam nói.

Cũng theo ông Nam, trong khi các hãng hàng không đang điêu đứng, nhiều hãng hết tiền hoạt động, thì việc giảm, miễn giá, phí sân bay để chia sẻ với doanh nghiệp không chí là vấn đề đạo đức kinh doanh mà còn là vấn đề quản lý nhà nước.

ACV hiện đang quản lý 22 Cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 9 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa.  

ACV hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 và chịu trách nhiệm đầu tư, khai thác, đảm bảo an ninh an toàn và cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không tại các cảng hàng không Việt Nam.

Báo cáo tài chính cho thấy năm 2019 ACV đạt doanh thu trên 18.330 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 8.340 tỷ đồng năm 2019. Trong đó, doanh thu cung cấp các dịch vụ hàng không như phục vụ mặt đất, bảo đảm an ninh, hành lý... đóng góp hơn 14.650 tỷ đồng. Nguồn thu còn lại là cho thuê mặt bằng, quảng cáo, cung cấp tiện ích như điện nước, vệ sinh, y tế.

ACV hiện là một trong số doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi cực lớn. Theo đó, tổng tài sản tính đến cuối năm ngoái của ACV vào khoảng 59.300 tỷ đồng. Hơn phân nửa trong số này là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn theo hình thức gửi ngân hàng kỳ hạn không quá 12 tháng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Ngoài ra, ACV còn có khoảng 340 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Những khoản đầu tư này mang về cho công ty gần 1.800 tỷ đồng tiền lãi, tương ứng bình quân mỗi ngày khoảng 5 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn thu lớn nhất ngoài hoạt động kinh doanh chính.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu