11:58 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vua dép lốp - Hành trình mở lối đi riêng của một thương hiệu Việt

| 11:54 29/08/2017

(THPL) - Với một thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá cả, mẫu mã, chất liệu sản phẩm, "Vua dép lốp" làm thế nào để tự tạo ra cho mình một con đường riêng?

Dòng dép Điện Biên Phủ 1954.

Thị trường cạnh tranh

Việt Nam nằm trong Top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá (sau Trung Quốc và Italia).

Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước; tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần. Giày dép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2016 chiếm tới 34,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.

Năm 2016, xuất khẩu của da giày - túi xách đạt 16,2 tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2015; dự đoán năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 18 tỷ USD và phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 là 54 tỷ USD. 

Có thể thấy, để sống sót và tồn tại tại một quốc gia có thị trường giày dép lớn hàng đầu thế giới như Mỹ là chuyện không hề dễ. Qua đó, mỗi một doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào thị trường này đều phải có tầm nhìn và bản lĩnh riêng.

Con rể nghệ nhân Phạm Quang Xuân - anh Nguyễn Tiến Cường.

Hơn 50 năm tạo thương hiệu đi liền với văn hóa

"Vua dép lốp" là một thương hiệu không còn lạ lẫm với người dân Hà thành. Tuy nhiên, để cả nước biết đến và phát triển được trên nhiều quốc gia, dòng dép cao su của "Vua dép lốp" đã phải tự tìm cho mình con đường riêng đó chính là gắn liền với lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đôi dép cao su đã trở thành biểu tượng của ý chí, sự kiên gan của những chiến sĩ trong hai cuộc chiến gian khổ giành độc lập cho dân tộc. Thêm vào đó, dưới bàn tay nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép Bác Hồ sử dụng trong những năm kháng chiến được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã làm nên tiếng vang lớn cho "Vua dép lốp".

Khách du lịch chụp ảnh kỷ niệm tại cửa hàng dép lốp bày bán ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhưng chỉ đến khi anh Nguyễn Tiến Cường - con rể ông Phạm Quang Xuân chính thức được truyền nghề làm dép lốp, thì sản phẩm thủ công độc đáo này mới trở thành sản phẩm có tiếng vang trên khắp thế giới.

Kể về chuyện này, anh Cường nói: “Đến giờ vẫn còn rất nhiều bạn bè không hiểu vì sao tôi lại bỏ ngang khi sự nghiệp làm phần mềm đang rất thành công, thu nhập ngàn đô la một tháng để sang một nghề nghiệp hoàn toàn khác. Có lẽ từ chỗ mình yêu con gái cụ, rồi đến lúc mình yêu luôn cái nghề cụ đang làm từ lúc nào không biết”.

Khách hàng là người nước ngoài đặt hàng về bán.

Với thế mạnh tuổi trẻ và hiểu biết trong ngành công nghệ thông tin, anh Cường nhanh chóng thiết lập một trang web giới thiệu sản phẩm dép cao su và tiến hành đăng ký thương hiệu “Vua dép lốp Phạm Quang Xuân”.

Theo thống kê trên trang web của mình, anh Cường cho biết, tính đến năm 2016, đã có 214.975 đôi dép lốp được sản xuất hoàn toàn thủ công và theo chân khách hàng chu du qua hơn 60 quốc gia.

Về mặt nguyên tắc thì bất kì loại lốp nào cũng có thể chế thành dép lốp. Nhưng để có một đôi dép lốp bền bỉ mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, thông thường, nghệ nhân Phạm Quang Xuân thường dùng loại lốp khổng lồ của xe tải chở than từ vùng Quảng Ninh. Sau khi qua công đoạn “phá lốp”, những miếng cao su được xẻ đều tăm tắp thành nguyên liệu thô của phần đế dép. Đến khi làm dép, những tấm cao su này mới được đo vẽ theo kích thước và làm quai tùy theo từng mẫu khác nhau.

Đôi dép đã theo anh Cường đến hơn 60 quốc gia.

Đưa những đôi dép lốp huyền thoại trở lại

Đặc sắc nhất trong số các loại lốp để làm dép cao su phải kể đến lốp của máy bay Boeing. Tảng cao su sau khi được “phá thô”, sẽ lộ ra phần “thịt lốp” được xen kẽ bằng các lớp vải bố, tạo thành các hoa văn tự nhiên rất đẹp mắt, không lẫn với các loại lốp khác.

Hiện tại, đây cũng là loại dép đắt nhất do nguyên liệu là “hàng độc”, khó tìm. Một đôi dép thông thường từ lốp máy bay Boeing có giá 1,5 triệu đồng, nếu có thêm các chế tác theo yêu cầu của khách hàng thì thậm chí có giá từ 2 triệu đồng trở lên.

Anh Cường tại Vạn lý trường thành - Trung Quốc.

Do đặc thù là sản phẩm thủ công nên các công cụ chế tác cũng đặc biệt không kém. Để làm ra một đôi dép lốp thành phẩm, nghệ nhân Phạm Quang Xuân phải dùng đến khoảng 70 loại dụng cụ khác nhau.

Tất cả các loại dụng cụ đều là “hàng thửa” riêng, không giống với bất kì nghề thủ công nào khác. Anh Cường cho biết, đá để mài dao cũng có đến 30 loại khác nhau, có những viên đá mài chỉ nhỏ như cái tăm, dùng để mài những lưỡi dao bé tí xíu dùng cho việc chạm trổ.

Tuy nhiên, dép lốp còn nhiều điều lý thú khác, ví dụ như cũng là đôi dép cao su bốn quai, nhưng kiểu được bộ đội sử dụng trong trận Điện Biên Phủ (1954) khác hẳn với kiểu được dùng trong trận Khe Sanh (1968), đến năm 1975 thì bộ đội ta lại chuyển sang dùng loại dép cao su 5 quai. Hay như đôi dép Bác Hồ cũng có đến hai kiểu khác nhau, loại có quai hậu và dép lê bình thường. Tất cả những kiến thức ấy đều được anh Cường tìm hiểu qua sách báo, tư liệu lịch sử và từ đó đặt tên cho chúng.

Cũng chính do thẩm mỹ mỗi thời một khác nhau như vậy mà đến giờ, để phù hợp với nhịp sống hiện đại, dép lốp cũng được sáng tạo ra hàng chục mẫu mã khác nhau, phục vụ được nhiều nhu cầu khác nhau, "nam, phụ, lão, ấu", ai cũng có thể có được một vài mẫu dép cho mình mà không lo bị “đụng hàng” với người khác.

Hoàng Nam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu