23:50 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt: Luật sư cho rằng không cần thiết phải tạm giam

| 10:41 30/06/2017

(THPL) - Liên quan đến việc việc bắt tạm giam BS. Hoàng Công Lương trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình, cùng hình ảnh dẫn giải bác sĩ trẻ này, theo Luật sư Phạm Thanh Tùng là không cần thiết, bởi nó gây chấn động cho ngành y cũng như toàn xã hội và tạo ra những hình ảnh thiếu nhân văn.

Trao đổi dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết theo quan điểm của Luật sư, việc khởi tố là đúng, vì vụ việc này rất nghiêm trọng, cần phải làm rõ. Song đối với trường hợp BS. Lương thì không cần thiết phải bắt tạm giam, mà nên cho tại ngoại để phục vụ điều tra.

Trong vụ việc này có hậu quả, có thiệt hại về người. Nhưng trước tiên phải khẳng định BS. Lương không có ý định giết người. Bệnh nhân tử vong chắc chắn không phải do lỗi cố ý. BS. Lương cũng không có ý định bỏ trốn, cũng không có hành vi tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, sao phải tạm giam?

Luật sư Phạm Thanh Tùng. (Ảnh: Phú Minh)

"Lý do tôi đưa ra thứ hai về việc bắt tạm giam là không cần thiết, bởi nó không hợp tình, hợp lý. Trong tình huống này có thể bác sĩ bị oan vì máy móc bác sĩ không kiểm soát được (khâu bảo trì thiết bị thuộc về một bộ phận khác). Có chăng bác sĩ chỉ đang làm đúng nhiệm vụ, chức năng của mình mà thôi", Luật sư Tùng giải thích.

Do đó, việc dẫn giải, bắt tạm giam một cán bộ ngành y vốn có thân nhân tốt, hình ảnh đó rất không đẹp, gây ra một sự hoang mang trong toàn ngành y tế - một ngành vốn phải chịu rất nhiều áp lực. Thậm chí nó có thể tác động tiêu cực đến đội ngũ y, bác sĩ đang khám chữa bệnh, đang mổ, đang cấp cứu cho bệnh nhân mà cái đầu của họ lại luôn lo lắng, bất an vì nguy cơ rủi ro nghề luôn trực chờ. Đương nhiên trong tâm trạng đó, họ sẽ không thể chú tâm làm việc hiệu quả tốt nhất được.

Bác sĩ Hoàng Công Lương. (Ảnh: cand.com.vn)

Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, bổ sung sửa đổi 2009 như sau:

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Còn một trong những biện pháp ngăn chặn trong bộ luật trên quy định:

Điều 79. Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Với trường hợp bắt, tạm giam được Bộ luật trên quy định:

Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này.

"Trong vụ việc này tôi xin nhấn mạnh lại rằng, với trường hợp BS. Lương thì ở đây sự việc đã xảy ra rồi, không có chứng cứ xác định BS. Lương gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc BS. Lương tiếp tục phạm tội, mặt khác BS. Lương có nhân thân tốt, đây là lần đầu tiên liên quan đến trách nhiệm hình sự. Do đó cơ quan điều tra phải xác định lỗi của BS. Lương là gì? Vi phạm như thế nào? Bởi cũng có thể bác sĩ trẻ này bị oan", Luật sư Tùng nói.

Phú Minh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu