18:34 ngày 05/04/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam thu về hơn 15 tỷ USD từ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 1

15:17 01/04/2025

(THPL) - Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3/2025 của Việt Nam ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I/2025 đạt 15,72 tỷ USD.

Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa công bố báo cáo về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD; chăn nuôi 131,3 triệu USD; thủy sản 2,29 tỷ USD; lâm sản 4,21 tỷ USD.

Trong quý I/2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu đạt 15,72 tỷ USD. Ảnh minh họa

Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có thặng dư thương mại. Cụ thể; nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 3,54 tỷ USD; nhóm thủy sản 1,51 tỷ USD và nhóm nông sản thặng dư 1,48 tỷ USD. Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 22,5% và 16,6%.

Cũng theo báo cáo của Bộ NN&MT, trong quý I/2025, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, gạo, rau quả và cà phê.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3/2025 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý I/2025 đạt 3,95 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu hàng thủy sản trong quý I/2025 đạt 2,29 tỷ USD.

Khối lượng xuất khẩu gạo tháng 3/2025 ước đạt 950.000 tấn với giá trị đạt 463,6 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2025 đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 522,1 USD/tấn.

Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 3/2025 ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả của quý I/2025 đạt 1,14 tỷ USD.

Với cà phê, khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 3/2025 ước đạt 200.000 tấn với giá trị đạt 1,16 tỷ USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê quý I/2025 đạt 509.500 tấn và 2,88 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn.

Liên quan đến ngành nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho biết: “Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, Bộ kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD trong năm 2025, với các giải pháp đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ” .

Để đạt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 4% trong năm 2025 như nhiệm vụ Chính phủ giao, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần rà soát, đánh giá để có những giải pháp về cơ cấu ngành hàng nhằm đảm bảo về đích thành công.

Cần khoa học công nghệ là giải pháp đầu tiên. Áp dụng khoa học công nghệ sẽ quyết định vị thế của đất nước, vị thế của dân tộc và vị thế của ngành. Chiếm hơn 50% giá trị gia tăng toàn ngành, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng thời gian tới, khoa học công nghệ cần đi sâu vào chương trình giống, quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, thú y phòng bệnh và các lĩnh vực khác để gắn với kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, minh bạch hóa sản phẩm để bước ra thị trường thế giới.

Về chế biến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh Việt Nam vẫn đa phần đang dừng ở xuất khẩu dạng bao chứ chưa phải dạng gói, điều này cho thấy độ tinh xảo, khả năng chế biến sâu với giá trị gia tăng cao còn hạn chế so với nhiều quốc gia. Diện tích sản xuất của chúng ta không tăng nữa nên cần nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến và chế biến phải sâu để nâng cao giá trị gia tăng. Cần nâng cao vai trò của thiết bị để đẩy giá trị lên.

Do đó, cần đi tắt đón đầu, tìm kiếm và đầu tư ngang tầm với khu vực, với quốc tế để kết hợp hiệu quả với các vùng nguyên liệu đã được xây dựng. Đây chính là dư địa để khai thác và có thể thực hiện được mục tiêu xuất khẩu năm 2025 và tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 – 2030.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác