09:59 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam sẽ giám sát chặt chẽ khai thác thủy sản bất hợp pháp

08:31 29/08/2020

(THPL) - Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các giải pháp gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, để gỡ được hẳn “thẻ vàng”, Chính phủ và ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải quyết tâm nhiều hơn nữa.

Trước tiên, phân tích một cách cơ bản về “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam, là mức đánh giá hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam chưa tuân thủ các quy định của Liên minh Châu Âu về IUU. Cụ thể, trong đó IUU là viết tắt của các cụm từ Illegal, Unreported, and Unregulated fishing, tạm dịch là đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý.

(Hình minh họa) 

Xung quanh vấn đề này, mới đây, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã có một số tổng kết cơ bản. Sau 2 lần kiểm tra, phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đặc biệt là công tác chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ NNPTNT.

EC cũng đánh giá cao tính minh bạch, trung thực của Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin. Trong 4 nhóm khuyến nghị mà EC đưa ra nhằm gỡ thẻ vàng, việc Việt Nam tích cực hoàn thiện khung pháp lý trong một thời gian ngắn để tăng cường giám sát, xử lý vi phạm được EC đánh giá cao; việc tuy xuất nguồn gốc cũng có nhiều tiến bộ, mức độ sai sót trong các lô hàng xuất khẩu sang EC giảm đáng kể. Tuy nhiên, phía EC cũng đề xuất phía Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả các tầu đánh cá, kiểm soát tốt hơn nữa sản lượng hải sản lên bến, ghi chép nhật ký đầy đủ đảm bảo hồ sơ xuất khẩu minh bạch, chính xác. Xử phạt nghiêm đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo khung khổ pháp luật. Đồng thời EC vẫn khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam, nếu chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Trên thực tế, thời gian qua Bộ NNPTNT, các địa phương đã nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, tồn tại lớn nhất là vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2020 dù số vụ vi phạm đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn còn 54 vụ với 86 tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng đang được tiến hành và mới chỉ được thực hiện trên 80% tàu cá. Tồn tại lớn nhất là ngư dân không duy trì thiết bị giám sát 24/24h, vẫn còn tình trạng tàu cá ra biển là mất kết nối, khó giám sát nếu vi phạm. Dù hầu hết ngư dân có ý thức trong việc ghi chép nhật ký khai thác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn sai sót… Nếu thủy sản Việt Nam không sớm gỡ được “thẻ vàng” EC, thì ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng đến toàn ngành. Ví dụ như Campuchia, bị thẻ đỏ của EC thì toàn bộ sản phẩm thủy sản sẽ bị cấm xuất khẩu sang EC. Ngoài ra, EC cũng là thị trường tín chỉ, các thị trường khác cũng có khả năng áp dụng các quy định khác trong khai thác IUU tương tự như EC. Đơn cử, Mỹ đã và đang có dự kiến phiên điều trần đối với Việt Nam trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Mỹ xem liệu có thực thi các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp hay không.

Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tăng cường các đoàn công tác kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại địa phương, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn để rà soát, khắc phục các tồn tại. Thực thi nghiêm công tác xử phạt hành vi vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là theo dõi, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.  Bổ sung nguồn lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU bảo đảm thực hiện đúng, đủ các quy định về chống khai thác IUU.

Minh Hải

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu