21:36 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam cần tăng cường truy xuất nguồn gốc trong ngành yến

Tuấn Linh (t/h) | 22:02 21/11/2023

(THPL) - Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế về sản phẩm yến ngày càng cao cả về chất lượng và các yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 4.000 nhà yến đã được cấp mã định danh, khoảng 18% trong tổng số nhà yến. Điều này đòi hỏi nước ta cần tăng cường truy xuất nguồn gốc trong ngành yến.

Tại Việt Nam, nghề nuôi yến bắt đầu xuất hiện từ năm 2004 và ngày càng phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh phía Trung, Nam Bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định,…Nhờ địa hình trải dài cùng khí hậu phù hợp, số lượng nhà yến tại Việt Nam hiện đã lên tới hơn 30.000, mang lại sản lượng khoảng 150 tấn và con số này ngày càng gia tăng. Dù vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực yến sào tại Việt Nam hiện khá phân mảnh và chỉ có một vài doanh nghiệp có quy mô đủ lớn.

Thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, thiếu tính liên kết sản xuất theo ngành hàng. Trong khi đó, yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế ngày càng cao cả về chất lượng và các yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Vì thế, việc cấp mã số các cơ sở nuôi chim yến và xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Tính đến nay, cả nước có hơn 4.000 mã nhà yến đã được cấp, nghĩa là mới chỉ có 18% tổng số nhà yến trên cả nước có mã định danh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát với thực tế, có độ chính xác cao để phục vụ công tác quản lý, xuất khẩu.

Việt Nam cần tăng cường truy xuất nguồn gốc trong ngành yến. Ảnh minh hoạ

Với thị trường Trung Quốc, trước nay, yến sào Việt Nam chỉ xuất qua đường tiểu ngạch, hoặc du lịch với sản lượng không lớn. Việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân, kỳ vọng tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của nước ta trong thời gian tới.

Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn các cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp chế biến tổ yến lúng túng trong việc đăng ký xuất khẩu chính ngạch. Để phát triển nghề yến lâu dài, nhiều địa phương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành quy trình chung, sổ tay hướng dẫn thực hiện xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư để tổ chức triển khai thống nhất trong phạm vi cả nước.

Hiện sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, có nhu cầu lên đến 300 tấn/năm, chiếm đến 80% thị phần toàn cầu. Gia tăng chế biến, đa dạng hoá sản phẩm sẽ là định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.

Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thêm một nông sản xuất khẩu chính ngạch có nghĩa là thêm cơ hội để chuẩn hoá một ngành hàng. Khi nhìn lại câu chuyện của sầu riêng hay mít, ngành nông nghiệp đang có thêm sức bật từ lô yến xuất khẩu chính ngạch, tiến gần hơn đến mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD.

Trước đó, ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Cũng theo công điện, Chính phủ kỳ vọng trong năm 2023 sẽ hoàn tất việc đánh giá, xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc và xúc tiến mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khác.

Những điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với nghề khai thác, nuôi, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm yến sào, bảo tồn đàn chim yến, một mặt hàng nông sản được kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2020, sản lượng tổ yến của Việt Nam dự kiến đạt 350-400 tấn, giá trị thu về ước tính có thể lên tới hàng tỷ USD.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu