06:53 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Vì sao tàu điện Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ khai trương?

21:34 09/10/2020

(THPL) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự - các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác.

Theo VnExpress, trong báo cáo liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải gửi đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 10 (khai mạc ngày 20/10) đã đề cập đến nguyên nhân chậm tiến độ đưa vào vận hành của tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Theo đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư) đã cơ bản hoàn thành, đang được các bên hoàn thiện thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, dự án này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến thiết bị khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán... Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo giải quyết các vướng mắc này để hoàn thiện những hạng mục còn lại.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày khai trương. Ảnh: Internet

Để giải quyết "khó khăn chính" nêu trên và hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Bộ Ngoại giao làm công hàm đề nghị cơ quan chức năng Pháp hỗ trợ, tháo gỡ, giúp các chuyên gia tư vấn ACT (Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống) sớm sang Việt Nam thực hiện dự án.

Báo Tiền phong đưa tin, về nguyên nhân chính của việc tăng tổng mức đầu tư, theo Bộ GTVT là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt đối với các dự án đường sắt đô thị, do chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Ngoài ra là yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.

Bộ GTVT cũng cho rằng, cơ chế thực hiện các dự án (đặc biệt là các dự án ODA) còn bất cập. Kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp trong quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ…

Bên cạnh đó, việc VEC được chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến tình trạng chưa thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc xác định cấp quyết định đầu tư đối với các dự án của VEC… “Đây là một khó khăn chung, có liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều cấp, bộ, ngành và cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp”, báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký ban hành nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp được Bộ GTVT đưa ra trong thời gian tới là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của xã hội thông qua việc nâng cao công tác truyền thông, thông tin đến xã hội, người dân được biết. Qua đó huy động và duy trì sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc tham gia giám sát, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý kịp thời, tránh bức xúc trong dư luận.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu