08:19 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ưu tiên 25% tổng số vắc-xin Covid-19 của cả nước cho TP.HCM

Tuấn Anh (tổng hợp) | 13:53 12/07/2021

(THPL) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn sát cánh bên cạnh TP.HCM với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển của Thành phố.

Chiều ngày 11/7, tiếp tục chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi động viên, kiểm tra, đôn đốc và làm việc với TP.Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh. Đây là cuộc làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn Thành phố.

Báo Người lao động cho hay, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình dịch bệnh tại thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện TP.HCM đang điều trị hơn 11.300 ca dương tính mới, thành phố đã làm hơn 766.000 xét kháng nguyên nhanh, lấy mẫu hơn 1,8 triệu mẫu xét nghiệm, đã có kết quả hơn 1,59 triệu mẫu, hơn 218.000 mẫu đang chờ kết quả.

Thành phố đã lập Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 do Chủ tịch UBND TP là Chỉ huy trưởng; lập Trung tâm điều phối xét nghiệm do 1 Phó Chủ tịch UBND TP là Trưởng Trung tâm; lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu về dịch bệnh. Thành phố bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với người dân, công bố 2.833 điểm được bán hàng phân bố rộng khắp; thí điểm thành công mô hình đưa hàng hóa thiết yếu đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn…

Thành phố đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ người dân, đạt tỷ lệ 24%, đồng thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo các đối tượng khó khăn.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới về tổ chức xét nghiệm; điều trị; tiêm vắc-xin phòng Covid-19; bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Thành phố đã xây dựng và thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị với gần 30.000 giường; chuẩn bị phương án 50.000 giường…

Thủ tướng nghe lực lượng chức năng báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại phường Tân Phú, TP. Thủ Đức. Ảnh: VGP

Báo Chính phủ đưa tin, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tới Thành phố nói chung và tình hình thực hiện Chỉ thị 16 nói riêng.

Trong thời gian tới, TP.HCM cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập để thực hiện thành công giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Mục tiêu ưu tiên lúc này là tập trung kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường, phát triển kinh tế xã hội; chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết; hạn chế tối đa các ca tử vong; thực hiện tiếp cận vaccine bình đẳng theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; không để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng, mất trật tự an toàn xã hội, không để đời sống người dân bị đảo lộn nhiều.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ rất chia sẻ với những khó khăn của Thành phố, của nhân dân trong chống dịch, thực hiện Chỉ thị 16 và chia sẻ với những hành động, giúp đỡ, động viên phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, phải kiên trì thực hiện các giải pháp đúng hướng đang được triển khai.

Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ những người gặp khó khăn, nhất là người lao động mất việc, người bán vé số, lượm ve chai, người lang thang, người yếu thế... Chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở, phối hợp với các tổ Covid-19 cộng đồng rà soát kỹ, nắm thật chắc, dứt khoát không bỏ sót những người cần hỗ trợ.

Thứ tư, thành lập các trung tâm cứu trợ, các đường dây nóng qua điện thoại, qua mạng internet để tiếp nhận các đề nghị của người dân, tổ chức các xe bán hàng lưu động vào từng ngõ hẻm, những nơi khó khăn về cung ứng hàng hóa để phục vụ kịp thời người dân.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg. 

Thứ sáu, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc điều trị, cứu chữa bệnh nhân và kiểm soát chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khu cách ly, khu phong tỏa, kiểm soát tốt sau cách ly. Tăng cường trang thiết bị, nhân lực cho các ca cấp cứu, nhất là những người bị bệnh nền, hạn chế tối đa các ca tử vong.

Thứ bảy, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ tuyến đầu như các y bác sĩ, công an, quân đội, những người làm nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ dịch bệnh, trong đó có các nhà báo…

Thứ tám, rút kinh nghiệm, tổ chức tiêm vaccine an toàn, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình chống dịch. Thủ tướng nêu rõ, trước mắt ưu tiên khoảng 25% tổng số vắc-xin phòng Covid-19 của cả nước cho Tp.HCM, phấn đấu đến hết tháng 7/2021 tiêm ít nhất khoảng 2 triệu liều cho người dân Thành phố.

Thứ chín, xét nghiệm thần tốc nhưng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, xác định được ổ dịch mới để khoanh vùng, dập dịch, giãn cách rộng, phong tỏa hẹp. Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Thành phố phát động thi đua “xanh hóa” bản đồ chống dịch (với các vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh theo mức nguy cơ).

Thứ mười, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích, cách làm hay, mô hình tốt, phê bình, kiểm điểm, xử lý những nơi, những cá nhân làm chưa tốt, vi phạm quy định.

Mười một, chuẩn bị phương án ứng phó cao hơn với dịch bệnh, đặc biệt không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác như một số nước đã tiêm vaccine nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát phức tạp; tiếp tục bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã được xác định đúng, lãnh đạo quyết đoán, đúng phương pháp, hiệu quả.

Mười hai, Thủ tướng đã phân công các Bộ trưởng trực tiếp làm việc với Tp.HCM, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải quyết định, xử lý ngay các vướng mắc, kiến nghị của Thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế chuẩn bị nguồn lực con người, trang thiết bị, cơ chế chính sách, thiếu phải bổ sung.

Bộ trưởng Bộ GTVT bảo đảm lưu thông hàng hóa, vận tải; lắng nghe ý kiến các chuyên gia để có phương án phân luồng tuyến cho phù hợp nhất.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo cung ứng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, lưu thông nông sản.

Bộ trưởng Công Thương phải lo các nhu yếu phẩm thiết yếu khác.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức thực hiện việc hỗ trợ và bổ sung các đối tượng cần hỗ trợ.

“Không để Thành phố lúng túng, bị động vì thiếu hàng hóa và gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa”, Thủ tướng dứt khoát.

Mười ba, kêu gọi người dân, doanh nghiệp chia sẻ, ủng hộ với cấp ủy, chính quyền các cấp về các biện pháp phòng, chống dịch mạnh hơn, quyết liệt hơn trước đây.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu