13:49 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

UOB dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc từ nguồn vốn FDI

17:10 24/08/2019

(THPL) - Theo nhận định của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) Việt Nam, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay nhờ vào sự bùng nổ của nguồn vốn FDI và nhu cầu trong nước.

Theo đánh giá tại "Báo cáo kinh tế Việt Nam – Điểm sáng của châu Á giữa bối cảnh căng thẳng thương mại" của UOB Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là động lực chính thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian trung đến dài hạn. Điều này có tiềm năng giúp mở rộng quy mô nền kinh tế Việt Nam ở mức từ 28,5 tỷ USD đến 62,1 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7 - 16% hàng năm, cho đến năm 2030.

 

Ảnh minh họa

Theo nhận định của UOB Việt Nam, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay nhờ vào sự bùng nổ của nguồn vốn FDI và nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước được dự đoán sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25% trong năm nay. Với mức lãi suất huy động hiện tại, chính sách tiền tệ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi giúp GDP tăng trưởng đều đặn và giữ được sự ổn định về giá.

Thực tế cho thấy, thương chiến giữa Mỹ - Trung Quốc đã tạo nên biến động mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại toàn cầu. Điều đó đã khiến cho các nhà sản xuất phải cân nhắc mục tiêu hoạch định các chiến lược hiệu quả về mặt chi phí bằng cách di dời cơ sở sản xuất sang những địa điểm khác nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan thương mại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia lý tưởng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu thế giới bởi sở hữu vị trí chiến lược để sản xuất và phân phối hàng hóa bằng đường bộ và đường biển.

Bên cạnh đó, mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là một yếu tố thuận lợi của nước ta. Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 13 FTA đã được ký kết và ba hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán. Điều này có nghĩa là nguồn hàng Việt Nam khi xuất khẩu đến các khu vực quan trọng trên thế giới sẽ được miễn thuế, tạo cơ hội cho việc di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh với các đối tác ở mức chi phí tối thiểu.

Hơn nữa, các FTA sẽ giúp Việt Nam vừa thu hút dòng vốn FDI rót vào Việt Nam, vừa cải thiện chất lượng vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, vốn FDI rót vào Việt Nam vẫn ở mức cao. Hiện vốn FDI tại Việt Nam đang trên đà vượt 20 tỷ USD với mức tăng trưởng 4,7%, nhờ vào việc các doanh nghiệp đa quốc gia chuyển hướng một số hoạt động vận hành để tránh mức thuế cao do xung đột thương mại Mỹ - Trung tạo nên.

Theo các chuyên gia, dựa vào mức tăng trưởng hiện tại, 2019 có khả năng sẽ là năm tốt nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Kể từ đầu năm đến tháng 7, Việt Nam đã ghi nhận 2.064 dự án mới, cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2018, là một năm kỷ lục về thu hút FDI đối với nền kinh tế Việt Nam.

Dựa trên nguồn vốn FDI trung bình rót vào từng quốc gia ASEAN, có thể thấy rằng Việt Nam và Malaysia là các quốc gia được hưởng lợi chính từ dòng vốn này. Trong mỗi quý kể từ quý III/2018, Việt Nam nhận được trung bình 4 tỷ USD, tăng lên 18% so với mức trung bình vào nửa đầu năm 2018, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vừa nổi lên.

Nam Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu