09:58 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tỷ giá USD/VND và đột phá lịch sử 2017

12:12 25/12/2017

Dự trữ ngoại hối Việt Nam đột phá với những ngày giao dịch chưa từng có trong lịch sử...

Tỷ giá USD/VND và đột phá lịch sử 2017

Năm 2016, vào kỳ cao điểm, tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài từng dự báo khi trao đổi với VnEconomy: tỷ giá USD/VND và hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ sớm làm quen với những giao dịch lô lớn cỡ 500 triệu USD, thậm chí lớn hơn nữa và tần suất dày hơn nữa.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chủ động cân đối sức hấp thụ của hệ thống và đặc biệt "phòng ngừa" phản ứng của tỷ giá USD/VND.

Chủ động, vì lịch sử từng nhiều lần cho thấy sự mong manh. Khi xuất hiện giao dịch cỡ vài trăm triệu USD, tỷ giá và các chủ thể trên thị trường, ngay cả tâm lý dân cư sau đó cũng đã có thể chộn rộn.

Nhưng nay, 2017 đã cho thấy khác biệt lớn.

Xử êm hơn chục tỷ USD

Quy mô 500 triệu USD như trên trở nên khiêm tốn trong một số giao dịch xuất hiện năm 2017. Các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng vừa chứng kiến những con số lớn hơn nhiều lần chỉ trong một ngày giao dịch.

Lãnh đạo phụ trách kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng lớn cho VnEconomy biết, đến cuối tuần qua, với loạt giao dịch rất lớn, chưa từng có trong lịch sử, quy mô nguồn lực dự trữ ngoại hối Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước nâng cao kỷ lục, mà cá nhân ông quan sát và ước tính có thể đã vượt xa mốc 50 tỷ USD.

"Quả thực nhiều năm trong ngành, và cả trong tương lai, hiếm khi chúng ta được chứng kiến dòng chảy lớn đến như vậy, hàng tỷ USD chỉ trong một ngày. Ngân hàng Nhà nước mua êm, thị trường ổn định", vị lãnh đạo trên nói.

Êm, vì như "phản ứng tự nhiên", bao năm qua cứ mỗi khi thị trường xuất hiện nhu cầu hoặc giao dịch ngoại tệ lớn, tỷ giá USD/VND gần như có phản ứng tức thì, rung lắc, thậm chí châm ngòi cho những đợt biến động. Mà qua mỗi bận như vậy, người dân, doanh nghiệp và cả ngân hàng lại chộn rộn.

Nay, hàng loạt giao dịch lớn, ước tính cả năm Ngân hàng Nhà nước mua ròng hơn chục tỷ USD, có những "enter" vài tỷ mà tỷ giá và thị trường không có biểu hiện xao xuyến (tác động của mua ngoại tệ đến các cân đối khác là khía cạnh khác và dài hơi hơn).

Như cách nói của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank khi toạ đàm với nhân viên cuối tuần qua: với lãi suất và tỷ giá, năm 2016 và 2017 các ngân hàng thương mại đã rảnh tay để tập trung làm việc tốt hơn, không phải lo lắng và cả luồn lách với biến động như những năm trước.

Tỷ giá USD/VND có một năm êm đềm như 2017, chính doanh nghiệp cũng rảnh tay để tập trung sản xuất kinh doanh, thay vì mất thời gian, chi phí phập phồng với rủi ro tỷ giá.

Câu trả lời trước áp lực

Hàng tỷ USD giao dịch trong ngày vừa qua có bóng dáng những cuộc thoái vốn lớn của Nhà nước, như tại Vinamilk và Sabeco. Nhưng đây chỉ là một cấu phần trong đột phá của dự trữ ngoại hối năm nay.

Đơn cử như tuần qua, "dự cảm" về quy mô gần 5 tỷ USD bắt đầu chuyển đổi từ thương vụ tỷ phú Thái Lan mua cổ phần Sabeco, một số ngân hàng đã chủ động đi trước và bán trước. Chỉ riêng bước đi trước này cũng đã tạo nên "ngày tỷ đô" trong chuỗi mua ròng của Ngân hàng Nhà nước.

Tính chung, tổng lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng năm 2017, qua các thông tin cập nhật gần đây, cũng như tham khảo tính toán của một số thành viên lớn trên liên ngân hàng, có thể đạt quanh 12 tỷ USD.

Con số ước tính trên nói lên nhiều điều.

Thứ nhất, nó phản ánh cân đối ngoại tệ của nền kinh tế đã tốt hơn (đặc biệt trong xuất nhập khẩu); phản ánh kết quả thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ.

2017 cũng nổi bật ở dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán, qua các cuộc thoái vốn Nhà nước quy mô lớn nói trên, cũng như điển hình ở loạt IPO của một số ngân hàng thương mại, qua giao dịch sôi động trên sàn niêm yết…

Thứ hai, quan trọng hơn ở khía cạnh điều hành chính sách tiền tệ, so sánh tại các thời điểm, cũng như dự kiến cả năm nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng sẽ vượt xa mức độ thặng dư của cán cân tổng thể. 2017 là năm thứ hai liên tiếp thể hiện điều này.

Nó cho thấy, một lượng lớn ngoại tệ trong dân cư đã được chuyển hóa. Nói cách khác, nguồn lực ngoại tệ găm giữ trong dân cư thay vì huy động và vay mượn nhiều năm trước, đến nay đã tự chuyển hóa, góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia qua quy mô đột phá của dự trữ ngoại hối; tương ứng là nguồn vốn VND qua chuyển hóa đi vào tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh...

Quá trình chuyển hóa trên từng chịu áp lực lớn và thử thách từ thượng tầng, trong điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Đó là, 2016 và liên tục trong 2017, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần đề cập, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét triển khai huy động ngoại tệ và vàng, để khai thác nguồn lực này trong dân cư. Trên diễn đàn Quốc hội, hay trong dòng chảy thông tin kinh tế tại nhiều thời điểm, yêu cầu đó cũng nhiều lần đặt ra.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn nhất quán con đường đã chọn: chuyển hóa nguồn lực chứ không huy động theo hướng vay mượn.

Đến nay, quy mô dự trữ ngoại hối ước tính đã tạo được bước đột phá lịch sử và dự kiến vượt xa mốc 50 tỷ USD, tỷ giá USD/VND ổn định, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ đã hạn chế, thị trường vàng bốn năm liền không phải chi một đồng ngoại tệ nào nhập vàng về để bình ổn, giá trị đồng tiền Việt Nam củng cố qua lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… đang là câu trả lời từ lựa chọn đó.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu