01:16 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hơn 19.000 học sinh Hà Nội tham gia Chương trình giáo dục di sản

21:52 28/08/2019

(THPL) - Qua gần 1 năm triển khai, đã có hơn 19.000 học sinh Hà Nội tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Theo báo Giáo dục và Thời đại, ngày 28/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Học sinh trường THCS Tân Lập (Đan Phượng) trải nghiệm giáo dục di sản tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: báo Giáo dục và Thời đại

Dự hội nghị có các đại biểu đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa , Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phòng GD&ĐT các quận huyện cùng đông đảo các thầy cô giáo.

Theo báo cáo của Ban tổ chức, những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, nổi bật là hai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”.

Đây là hướng tiếp cận mới trong giáo dục di sản, bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học, học mà chơi; giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản.

Năm học 2018-2019 đã có hơn 19.000 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em.

Tại hội nghị, các đại biểu, các thầy cô giáo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, trách nhiệm, đầy tâm huyết để cùng chung tay đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Theo báo Tổ Quốc, trước đó, vào tháng 9/2018, tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình giáo dục di sản, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, việc triển khai Chương trình nhằm giúp học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu về di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần hoàn thiện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, tìm hiểu và yêu thích môn Lịch sử trong các trường học.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội cũng đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các chuyên gia từng bước xây dựng hoạt động giáo dục di sản bổ ích cho học sinh.

Kể từ khi mở cửa tới nay, đã có hàng chục nghìn lượt học sinh Thủ đô tới tham quan, trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long và Khu Di tích Cổ Loa, Hà Nội. Chương trình cũng nhằm gắn kết di sản với cộng đồng, hướng tới khách tham quan, đặc biệt những khách tham quan là học sinh ở Hà Nội.

Phương Nhi (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu