08:40 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Trẻ nhập viện do nôn và tiêu chảy gia tăng khiến nhiều phụ huynh lo lắng

Tú Anh (tổng hợp) | 08:05 10/05/2022

(THPL) - Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám bệnh vì nôn và đau bụng. Theo đó, các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và không liên quan bệnh viêm gan bí ẩn đang xảy ra ở các nước trên thế giới.

Báo VnExpress đưa tin, chị Minh ở Định Công cho biết, con của chị 9 tháng tuổi bị nôn, trớ hai ngày không rõ nguyên nhân. Bé không ăn thức ăn lạ, không đi du lịch ở đâu. Chị tham gia diễn đàn bố mẹ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ tại nhà, thấy các phụ huynh cho rằng đang có dịch tiêu chảy, nhiều người lo lắng liên quan đến bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở các nước. Lo con có thể mắc bệnh nào đó chưa được hiểu rõ, chị Minh đưa bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một bé gái 4 tuổi ở Vĩnh Phúc cũng được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do nôn, sốt, đi ngoài không dứt. Mẹ bé cho biết con điều trị tại bệnh viện địa phương 5 ngày không bớt, vào Nhi Trung ương từ ngày 5/5 hiện vẫn chưa khỏi bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiếp tục theo dõi sát.

Hiện khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày khám khoảng 200 bệnh nhi, trong đó 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy, tăng nhiều so với thời điểm trước khi nghỉ lễ 30/4. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) khám 10-30 trẻ mỗi ngày, 40 bệnh nhi đang điều trị nội trú. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng tiếp nhận hàng chục bé mắc bệnh về tiêu hóa, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết...

Trẻ điều trị tại khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: báo Tuổi trẻ

Liên quan đến thông tin trên, theo báo Tuổi trẻ, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, tình trạng trẻ có triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy không phải là dịch bệnh lây lan như nhiều phụ huynh đang lo lắng.

"Có thể do trẻ bị ngộ độc hoặc do tình trạng cơ thể mệt mỏi, thay đổi thời tiết. Thực tế tuần vừa rồi, trong kỳ nghỉ dài 30/4 và 1/5, các bé về quê, đi du lịch… bệnh tính dễ xảy ra. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam nhiều virus, vi khuẩn dễ gây ngộ độc, bệnh tiêu hóa", ông Điển thông tin.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện, sốt nôn và tiêu chảy thường gặp ở bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, có thể do virus hoặc vi khuẩn. Thông thường ở trẻ dưới 5 tuổi, sốt, nôn là biểu hiện tiêu chảy cấp do rota virus. Ở trẻ được tiêm phòng rota virus, có thể do các virus khác như norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19.

Nghiên cứu trên thế giới nhận thấy, 30-40% trẻ mắc COVID-19 cũng có triệu chứng tiêu hóa như sốt, nôn, tiêu chảy. Sau nhiễm COVID-19 khoảng 4-6 tuần, khoảng 10% trẻ cũng có biểu hiện đau bụng, nôn. Nếu bé trong vùng dịch hoặc gia đình có người mắc COVID-19, có thể các triệu chứng trên do liên quan đến COVID-19.

"Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm", bác sĩ Hà nói thêm.

Cách xử trí khi trẻ đau bụng và nôn tại nhà

Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Cha mẹ không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Đồng thời, không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.

Cần cho trẻ uống nước đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol), pha đúng theo hướng dẫn. Nếu trẻ đã được uống Oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy.

Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hoá của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng, và kéo dài thời gian bị bệnh.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ từ 12-24 giờ thì có thể cho bé ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ hãy sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Hapacol, Tylenol.

Nôn trớ và tiêu chảy có thể làm gia tăng lây nhiễm trong gia đình vì thế cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ bệnh nghỉ học giúp hạn chế lây lan.

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu