15:32 ngày 16/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tranh dân gian Kim Hoàng: Cơ hội được hồi sinh

23:25 26/12/2016

Cùng với tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, tranh Kim Hoàng được biết đến là một trong 3 dòng tranh dân gian nổi tiếng của miền Bắc, thế nhưng hiện nay tranh Kim Hoàng đã gần như thất truyền.

Mẫu tranh lợn đàn sáng tác mới dựa trên mẫu cũ

Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của dòng tranh dân gian vốn phát triển khá mạnh từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Tương truyền dòng họ làm tranh đầu tiên là họ Nguyễn Sĩ- người Thanh Hoá theo mẹ ra Thăng Long rồi lập nghiệp ở Kim Hoàng. Thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhưng rồi bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915, khi làng mạc bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh hoàn toàn không sản xuất nữa. Ngày nay chỉ còn một số ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng. Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một đặc điểm riêng biệt mà các dòng tranh dân gian khác không có. Đó là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ.

Một trong khoảng 50 mẫu tranh Kim Hoàng cũ (tư liệu lấy trong quyển Imagerie populaire Vietnamienne - par Maurice Dururrand, 2011)

Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.

Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, người rất gắn bó và có tâm huyết với tranh Kim Hoàng cho biết: “Hiện nay, dòng tranh Kim Hoàng đã gần như thất truyền khi không còn nghệ nhân nào theo nghề và chỉ còn rất ít tranh hay bản khắc còn lưu lại ở bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân trong nước hay nước ngoài”.

Trước đây, tại ngôi làng Kim Hoàng (Vân Canh-Hoài Đức-HN), mọi người dường như đã quên mất sự tồn tại của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Họ vẫn tất bật với đủ nghề mưu sinh, nhưng rất tiếc trong số nghề đó không có làm tranh Kim Hoàng.

Ông Trần Thịnh, một trong số ít người cao tuổi của làng còn biết về tranh Kim Hoàng cho biết: "Chúng tôi cũng muốn khôi phục lại nhưng lẻ tẻ và đến bây giờ thì mất hết. Số người ở lứa tuổi còn biết về dòng tranh cổ của làng tôi và người đi bán tranh ở chợ chỉ còn đếm đầu ngón tay, rất ít. Cho nên, chúng tôi tiếc lắm nhưng vẫn phải chịu".

Một trong số những cao niên còn biết về dòng tranh Kim Hoàng

Cùng với tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, tranh Kim Hoàng được biết đến là một trong 3 dòng tranh dân gian nổi tiếng của miền Bắc. Không được may mắn như Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài. Điều này cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng đặc sắc này là vô cùng khó khăn nhưng rất cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại càng khiến cho dòng tranh dân giàn này ngày càng bị mai một. Song câu chuyện về phục dựng làng tranh Kim Hoàng đang khiến những con người nơi đây tin tưởng vào những giá trị truyền thống sẽ không bị thất truyền nếu những con người thật sự có tâm huyết mong muốn tranh Kim Hoàng sớm hồi sinh.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2: Gian nan hồi sinh tranh dân gian Kim Hoàng.

Quốc Huy

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu