05:20 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 để phòng dịch COVID-19

Bảo An (tổng hợp) | 15:15 29/06/2021

(THPL) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Tối ngày 28/6, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau gần 2 tuần giãn cách xã hội kể từ ngày 19/6.

"Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện. Sau ngày 30/6, thành phố vẫn áp dụng phương án này" - ông Dương Anh Đức nói.

Báo VTV News đưa tin, trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn về việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, cụ thể:

Các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động gồm:

- Các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông.

- Các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, thuốc.

- Cơ sở khám, chữa bệnh (trừ các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện (BV) thẩm mỹ, các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: BV, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), kinh doanh dược và quốc phòng, an ninh.

- Ngân hàng, các cơ sở kinh doanh trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, kho bạc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; tang lễ.

- Dịch vụ thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.

- Các cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị và các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ theo quy tắc 5K của Bộ Y tế, điều tiết phân luồng 1 chiều số lượng người đến mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người mua.

Nguồn: HCDC TP HCM. 

- Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng mà chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi. Các hoạt động này gồm: kinh doanh vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng; kinh doanh vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình xây dựng; kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu, dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống được phép hoạt động.

- Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu; dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét trong khi chờ lấy hàng.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động (như cơ sở kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, kim khí, điện máy nội thất, kinh doanh xe...), các phòng khám thẩm mỹ, BV thẩm mỹ.

Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác theo hướng dẫn của ngành y tế như để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine phòng COVID-19...

Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, trước đó, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16. Nhưng do TP.HCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14/6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 cho đến 0h ngày 29/6.

Đến ngày 19/6, UBND TP.HCM ban hành chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng...

TP.HCM cũng quyết định thiết lập vùng phong tỏa tại KP2, phường 16, quận 8; một phần ấp Hậu Lân thuộc xã Bà Điểm và một phần khu phố 1, 2, 5, 6, 7 thuộc thị trấn Hóc Môn; ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn; khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân.

Liên quan đến tình hình dịch tại TP.HCM, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM sáng 28/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng qua các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh (tăng 32-42 ca). Đây là những ca chỉ điểm từ đó tiến hành truy vết các ổ dịch ở các khu trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối...

TP.HCM đã chia các quận huyện thành 3 nhóm nguy cơ để đưa ra giải pháp phòng dịch. Trong đó, nhóm nguy cơ rất cao, gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Đây là những khu vực ghi nhận số ca nhiễm cao và tăng nhanh, xuất hiện nhiều ổ dịch tốc độ lây nhiễm cao, chưa rõ nguồn.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu