13:00 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

TP. HCM: Đường cùng, chủ doanh nghiệp phải viết đơn gửi Thủ tướng để cầu cứu

13:41 29/01/2021

Theo người dân, việc tạm dừng phê duyệt hồ sơ xóa thế chấp và thế chấp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) đang đẩy nhiều doanh nghiệp và người dân vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”…

Doanh nghiệp và người dân đã kiệt sức vì chờ đợi

Trong lá đơn của ông Lê Văn Thịnh - Chủ một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan thông tấn báo chí mới đây, có đoạn: Tôi không hiểu, từ bao giờ, sai phạm trong quản lý của cá nhân một số cán bộ huyện Hóc Môn (hoặc lợi ích nhóm) lại trở thành “trái đắng” cho người dân, doanh nghiệp? Từ bao giờ một Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai lại dám đi ngược lại quy định pháp luật; ngang nhiên xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân?. Từ bao giờ lối làm việc sai nguyên tắc lại có thể nghiễm nhiên xảy ra ở các cơ quan công quyền?. Và Nếu như không có một vài cơ quan báo chí; một vài nhà báo có tâm huyết thì phải chăng vụ việc 1.392 hồ sơ đất đai ở Hóc Môn đã bị ỉm đi, không được đưa ra ánh sáng?

Đường dẫn vào thửa đất số 662, tờ bản đồ 62, tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn

Ông Thịnh cho biết, hiện tại, cá nhân ông và doanh nghiệp đang trong tình thế điêu đứng bởi gần 1 năm qua không thể tiếp cận được nguồn vốn do bị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) tự ý “treo” hồ sơ khi tiến hành làm hồ sơ xóa thế chấp và thế chấp.

“Hơn 1 năm qua, trước tình hình Covid-19, hàng hóa của doanh nghiệp không xuất đi được. Do cần vốn, tôi với vai trò là chủ doanh nghiệp phải cầm cố, thế chấp tài sản để duy trì sản xuất, trả lương cho công nhân lao động. Nhưng hơn 1 năm qua, hồ sơ vay vốn bị nằm lại tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn khiến cho doanh nghiệp càng thêm khó khăn và bế tắc. Còn bế tắc nào hơn khi lối thoát cuối cùng bị chặn lại. Có tài sản hợp pháp nhưng không được sử dụng.

Theo ông Thịnh: Cuối năm 2017, vợ chồng ông có bỏ ra số tiền gần 30 tỷ đồng để mua thửa đất số 662, tờ bản đồ 62, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 15/12/2017, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn đã đăng ký thay đổi quyền sử dụng đất (do chuyển nhượng) cho vợ chồng ông. Do cần vốn trong quá trình phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, vợ chồng ông đã sử dụng tài sản này để thế chấp ngân hàng với 2 lần thế chấp thành công.

Tuy nhiên đến lần thứ 3, ngày 4/12/2019, khi vợ chồng ông đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn để đăng ký xóa thế chấp và thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Tân theo hợp đồng thế chấp số 01/2019/10508113/HĐBĐ do Phòng Công chứng số 5 chứng nhận đối với phần đất nêu trên thì bị “treo” hồ sơ.

Nhận thấy việc không giải quyết hồ sơ đăng ký xóa thế chấp và thế chấp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn có nhiều bất cập, đầu tháng 8/2020 ông Thịnh đã làm đơn phản ánh gửi các cơ quan báo chí.

Nhận được đơn của ông Thịnh, Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật đã vào cuộc và có 2 bài viết phản ánh: Người dân cần một câu trả lời, tại sao UBND huyện Hóc Môn vẫn im lặng? đăng ngày 27/8/2020 và Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh: Xin hãy lắng nghe dân!?” đăng ngày 7/9/2020.

Với sự vào cuộc của một số tạp chí, trong đó có Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật, ngày 27/11/2020, TP. Hồ Chí Minh đã mở cuộc họp báo thông tin về kết quả rà soát, kiểm tra đối với các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở trên địa bàn huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến tháng 7/2016 với sự tham dự của hơn 50 cơ quan báo chí. Như vậy, sau hơn 2 năm kể từ ngày cơ quan thanh tra TP. Hồ Chí Minh ra kết luận thanh tra (tháng 11/2028), vụ việc này mới được TP. Hồ Chí Minh công bố rộng rãi trước công luận.

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao UBND huyện Hóc Môn, cùng các cơ quan chức năng của thành phố cùng vào cuộc xử lý. Thời hạn để các cơ quan này thực hiện là tối đa 1 năm.

Như vậy, mặc dù vụ việc được chỉ đạo giải quyết, nhưng người dân vẫn cứ phải chờ đợi trong 1 năm hoặc có thể nhiều năm nữa. Đồng nghĩa với việc có tài sản hợp pháp nhưng vẫn không thể tự quyết được tài sản ấy.

Ông Thịnh phân vân: “Nếu là xây dựng thì chờ quy hoạch hạ tầng đã đành; chứ việc chúng tôi sử dụng tài sản hợp pháp để thế chấp ngân hàng thì vướng gì mà không giải quyết cho chúng tôi. Nếu không giải quyết thì phải nêu rõ cơ sở pháp lý thuyết phục, hoặc nêu rõ đến thời hạn bao giờ thì sẽ phê duyệt hồ sơ. Chứ bắt chờ đợi ròng rã hằng năm trời trong vô vọng như thế này khác nào đang lấy dây “thắt cổ” doanh nghiệp chúng tôi?”.

Doanh nghiệp sốt ruột, cơ quan quản lý vẫn đủng đỉnh?

Thông tin tại buổi họp báo ngày 27/11/2020, đại diện Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc UBND huyện Hóc Môn giải quyết cho các trường hợp được chuyển từ đất nông nghiệp thành đất ở đã vi phạm quy định pháp luật đất đai; vi phạm các quy định về quản lý đất đai, đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Lãnh đạo Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hóc Môn chủ trì buổi họp báo

Trước đó, tại kết luận Thanh tra vào tháng 11/2018, cơ quan này cũng đã chỉ rõ rằng, những sai phạm này, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn, Trưởng phòng Quản lý đô thị và Chủ tịch các xã - thị trấn huyện Hóc Môn các thời kỳ có liên quan.

Tham gia buổi họp báo ngày 27/11/2020, đại diện một số cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi cho đại diện lãnh đạo cơ quan Thanh tra; sở Tài Nguyên và Môi trường; UBND huyện Hóc Môn một số câu hỏi, đề nghị được làm rõ để trả lời cho doanh nghiệp và người dân, đó là: (1). Theo thông tin họp báo, đến nay chưa có bất cứ cơ quan nào ra văn bản đề nghị ngăn chặn việc phê duyệt hồ sơ đăng ký biến động đất liên quan tới 1.392 trường hợp ở Hóc Môn, mà đây là do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn tự ý thực hiện. Vậy hành vi “tạm dừng việc phê duyệt hồ sơ” của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn thời gian qua là đúng hay sai theo quy định của pháp luật. (2). Đối với các trường hợp cần phê duyệt hồ sơ xóa thế chấp và thế chấp, đến thời điểm nào thì Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn mới phê duyệt hồ sơ cho người dân? (3). Người dân cần liên hệ với cơ quan, đơn vị nào để được hướng dẫn, thông tin chi tiết về trường hợp cụ thể của mình liên quan đến vụ việc phê duyệt hồ sơ xóa thế chấp và thế chấp của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn?.

Trước những câu hỏi này, Ban tổ chức buổi họp báo đã thống nhất giao Trung tâm báo chí TP.Hồ Chí Minh làm đầu mối phối hợp cùng UBND huyện Hóc Môn, Sở Tài nguyên và Môi trường để làm rõ và tiếp tục thông tin đến công luận và người dân. Tuy nhiên, đến nay đã qua 2 tháng trôi qua, các cơ quan của TP. Hồ Chí Minh vẫn im lặng.

Được biết, sau khi kết thúc họp báo, Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh có làm công văn gửi UBND huyện Hóc Môn vào ngày 4/12/2020; sau đó gửi công văn cho Sở Tài Nguyên và Môi trường vào các ngày 24/12/2020 (lần 1) và 4/1/2021 (lần 2). Tuy nhiên đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có văn bản phúc đáp, làm cơ sở để Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh trả lời công luận.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Sở Tài nguyên và Môi trường làm khó báo chí. Trước đó, từ tháng 8/2020, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật cũng đã từng đến đặt lịch làm việc tại đây và được phía Sở đẩy sang Thanh tra thành phố mặc dù nội dung này thuộc vấn đề của Sở.

Có thể thấy, ngay cả với Trung tâm báo chí thành phố mà Sở Tài nguyên và Môi trường còn chậm chễ phản hồi như thế, thì chẳng trách với cơ quan báo chí khác, với doanh nghiệp và người dân, cơ quan này “om” thông tin lâu đến như vậy.

Phải chăng việc doanh nghiệp, người dân sốt ruột là chuyện của doanh nghiệp và người dân, còn việc đến bao giờ thông tin, thông tin như thế nào nó là quyền của Sở?!

Kiều Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu