03:03 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Top 6 địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Tú Chi (t/h) | 07:53 17/06/2024

(THPL) - Tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có 6 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương và Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong đó có 4 địa phương dẫn đầu gồm TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương và Thái Nguyên với kết quả lần lượt là: 17,53 tỷ USD; 14,37 tỷ USD; 13,41 tỷ USD; 13,15 tỷ USD.

Vị trí thứ 5 là Hải Phòng với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,15 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng tăng 29,25% (tương đương kim ngạch tăng thêm 2,75 tỷ USD). Trong khi đó, xuất khẩu Bắc Giang đạt 10,58 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. So với cùng kỳ 2023, xuất khẩu của địa phương này tăng 19,14% (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,7 tỷ USD).

Trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 32,27 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đạt 156,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có 6 địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Ảnh minh hoạ 

Trước đó theo nhận định của Bộ Công Thương, dù kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của cả nước giảm 4,6% so với năm 2022 nhưng nhiều địa phương vẫn nỗ lực đạt được kim ngạch vượt 10 tỷ USD. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về xuất khẩu. Tiếp theo là các địa phương: Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nội và Phú Thọ.

Nỗ lực vượt qua khó khăn, những tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương đang tăng tốc xuất khẩu, nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng. Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.

Theo đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài;

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;

Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; Tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước;

Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu