07:57 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tổ chức định hướng phát triển giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long

PV | 10:42 09/04/2022

(THPL) - Ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh Vĩnh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết: Hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như đảm bảo được chất lượng và sự an toàn cho giáo viên, học sinh. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp đã được các trường tiến hành có nền nếp, dần ổn định tình hình dạy - học.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã có những chuẩn bị tích cực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kết quả triển khai những năm đầu tiên đạt yêu cầu đề ra. Hiện đang tập trung chuẩn bị cho việc triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10, trong đó đội ngũ giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ đối với lớp 3 cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học qua các năm giữ ổn định và được nâng lên, đi vào chiều sâu. Năm 2021, 8/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 5/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 3/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. 

Một số khó khăn hiện nay của giáo dục Vĩnh Long là còn có nhiều trường mầm non quá nhiều điểm lẻ; sỹ số học sinh trên lớp đông, diện tích phòng học chật hẹp ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT tham gia học nghề vẫn còn thấp; việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác khó khăn nên việc đầu tư tăng trưởng cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển… 

 Quang cảnh hội nghị.

Nhận định các chỉ số giáo dục của Vĩnh Long ở mức khá so với cả nước, trong đó một số chỉ số đạt mức cao như kiên cố trường học, việc làm cho sinh viên…, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đồng thời đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ghi nhận sự nỗ lực, chủ động của ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long trong việc thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, qua đó đạt được một số mục tiêu và kết quả nhất định, Bộ trưởng lưu ý, trước mắt, khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, lãnh đạo tỉnh cần chỉ đạo Sở GDĐT tập trung củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh, đồng thời chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.  

Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, tỉnh Vĩnh Long dành sự quan tâm sâu sắc, toàn diện cho nhiệm vụ này để có những chuẩn bị kỹ càng cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Theo Bộ trưởng, lần đổi mới này phạm vi rất rộng, tốc độ đổi mới rất nhanh, dó đó, tỉnh cần lên phương án triển khai cho cả giai đoạn 3 năm sắp tới, trong đó cần tính đến các vấn đề có thể phát sinh, khó khăn có thể đối mặt để chủ động đưa ra giải pháp.

Một số nhiệm vụ nhằm phát triển giáo dục, đào tạo địa phương trong giai đoạn tới như: Đẩy mạnh xã hội hoá trong giáo dục; tập trung quy hoạch mạng lưới trường lớp; triển khai có hiệu quả một đề án về sức khỏe học đường, văn hóa học đường; phát huy yếu tố truyền thống trong dạy và học; các trường đại học ưu tiên phát triển nhân lực cao tỉnh, cho vùng…, cũng là những lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với tỉnh Vĩnh Long.

Trao đổi tại cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Với vai trò là trọng điểm phát triển của khu vực, Cần Thơ có nhiều lợi thế về địa lý, văn hoá, giáo dục. Điều này đã được thành phố phát huy trong thời gian qua để trở thành một trong những địa phương thuộc top đầu cả nước về xã hội hóa giáo dục, qua đó huy động nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Bộ trưởng mong rằng, những lợi thế trong công tác xã hội hóa giáo dục sẽ tiếp tục được thành phố phát huy hơn nữa. 

Ghi nhận sự quan tâm rất lớn của thành phố đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thông qua đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng đề nghị thành phố Cần Thơ tiếp tục dành sự quan tâm cho nhiệm vụ này trong giai đoạn tới, trong đó có giải pháp để tuyển dụng đủ số lượng giáo viên cho các môn Tin học, Ngoại ngữ. Đồng thời, tăng cường tập huấn giáo viên đáp ứng yêu cầu về chất lượng triển khai chương trình.  

Để đánh giá toàn diện thực trạng giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung trong 10 năm qua, qua đó nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm dược, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và đưa ra định hướng phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu để sớm tổ chức hội nghị đánh giá về giáo dục và đào tạo khu vực ĐBSCL.

Về định hướng phát triển Trường Đại học Cần Thơ, Bộ trưởng lưu ý, chiến lược phát triển của nhà trường cần bám sát định hướng phát triển của vùng ĐBSCL, qua đó tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Trường cũng cần tăng cường đề xuất các đề tài, dự án khoa học công nghệ mang tầm quốc gia. Nhất trí chủ trương chuyển đổi Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ, Bộ trưởng đề nghị nhà trường sớm hoàn thành Đề án gửi Bộ GDĐT xem xét, cho ý kiến.

Báo cáo tình hình giáo dục và đào tạo của thành phố Cần Thơ cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong suốt 2 năm qua song ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt nhằm thích ứng và đảm bảo mục tiêu kép: an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành kế hoạch năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Hiện nay, học sinh các cấp của thành phố trở lại trường học trực tiếp với tỷ lệ đạt khá cao (mẫu giáo 73,99%, tiểu học 93,84%, THCS 97,2%, THPT 97,8%, GDTX đạt 96,7%).

Để tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học, bậc học; bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục..../

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu