19:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tỉnh Thanh Hoá phớt lờ, Công ty Bình Minh gửi đơn “kêu cứu” lên Chính phủ

| 16:05 03/05/2017

(THPL) - Công ty Bình Minh vừa có đơn kiến nghị lên Chính phủ về dự án nước sạch nghìn tỷ đang đầu tư giai đoạn 2 có nguy cơ bị phá sản, bởi chủ trương “giời hỡi” của UBND tỉnh Thanh Hóa cho một đơn vị liên doanh khác là Anh Phát – Sông Chu cũng đầu tư xây dựng nhà máy nước.

Với chi phí hàng nghìn tỷ đồng và phải bù lỗ trong nhiều năm trong khi chưa kịp thu hồi vốn thì Công ty Bình Minh lại đang đứng trước nguy cơ phá sản khi “miếng bánh” thị phần tại đây đang bị “nhóm lợi ích” chi phối.

Theo quy hoạch khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1364/QĐ-CT ngày 10/10/2007, nhà máy nước của doanh nghiệp này đảm bảo cung cấp nước cho khu kinh tế Nghi Sơn (khu vực Đông Nam) đến năm 2025. Chính phủ cũng phê duyệt quy hoạch xây dựng các đường ống nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa có công suất đủ cho các nhà máy nước hoạt động. Về quy mô, nhà máy được phê duyệt đầu tư với công suất 90.000m3/ngày đêm được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: 30.000 m3/ngày đêm; giai đoạn 2: 60.000 m3/ngày đêm.

Công ty Bình Minh gửi đơn “kêu cứu” lên Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa ''phớt lờ''
Công ty Bình Minh vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc dự án của mình đang gặp khó khăn.

Năm 2010, giai đoạn 1 của nhà máy đã đi vào hoạt động phục vụ kịp thời cho sự phát triển của khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có các dự án trọng điểm như: Lọc hóa dầu, Trung tâm nhiệt điện, Cảng biển, Thép… Đầu năm 2016, Công ty Bình Minh đã đầu tư tiếp giai đoạn 2 của nhà máy, nâng công suất cung cấp nước của nhà máy lên 60.000 m3/ngày đêm để có đủ nguồn nước phục vụ cho hoạt động của cả khu, đặc biệt là phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu chạy thử nghiệm.

Trong khi lượng nước tiêu thụ chưa đến 1/10 công suất, tỉnh Thanh Hóa lại có chủ trương đầu tư một nhà máy khác với công suất 60.000m3/ngày đêm tại khu vực hồ Quế Sơn (chỉ cách nhà máy nước của Công ty Bình Minh chưa đến 4km) và luôn dành sự “ưu ái” cho dự án này.

Cụ thể như việc UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định “siêu tốc” chấp thuận đầu tư cho liên danh Công ty An Phát – Công ty Sông Chu chỉ trong vòng 4 ngày hoặc ra các văn bản thúc ép, yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải ký hợp đồng cung cấp nước với liên doanh Anh Phát – Sông Chu ngay khi nhà máy khởi công xây dựng...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn gây "khó dễ" cho hoạt động của nhà máy nước Công ty Bình Minh như không thực hiện đúng cam kết đầu tư xây dựng đường ống nước thô dẫn từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm, giai đoạn 2 là 90.000 m3/ngày đêm mà đến nay mới chỉ đạt 5.000m3/ngày đêm. Ngay cả khi Công ty Bình Minh đề xuất được đầu tư đường ống dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa cũng bị tỉnh bác bỏ. Thay vào đó, đường ống dẫn nước này lại được điều chỉnh để dẫn về hồ Quế Sơn cho nhà máy nước của liên danh Công ty Anh Phát – Công ty Sông Chu.

Sơ đồ phân phối nước sạch của Công ty Bình Minh.

Ông Tào Quốc Tuấn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Minh - bức xúc: “Tại sao Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phân vùng cấp nước rõ ràng, vậy lý do gì để thay đổi? Khu kinh tế Nghi Sơn được điều chỉnh mở rộng lên 106.000 ha, nhưng chủ yếu về phía Tây và Bắc. Tại sao tỉnh không cho xây dựng nhà máy ở đó mà phải đặt ở hồ Quế Sơn, gần dự án nước sạch của Công ty Bình Minh. Tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được văn bản của Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn lại không hề làm việc với Công ty Bình Minh để nghe từ hai bên phân biệt đúng sai… Vậy có gì mờ ám trong dự án nước sạch Anh Phát – Sông Chu này?”.

Việc làm trên của UBND tỉnh Thanh Hóa đã vi phạm quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vi phạm luật đầu tư, luật đấu thầu và đang đẩy Công ty Bình Minh đến bờ vực của sự phá sản. Trước những việc làm trên, Công ty Bình Minh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm của Liên danh Công ty Anh Phát – Sông Chu trong việc xây dựng nhà máy nước tại hồ Quế Sơn, đình chỉ công trình xây dựng trái phép.

Đơn "kêu cứu" Thủ tướng Chính phủ của Công ty Bình Minh.

Trước những kiến nghị của lãnh đạo Công ty Bình Minh, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4432/VPCP – CN về việc giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (công văn số 32/CVBM ngày 30/3/2017) về việc xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn, xã Mai Lâm (Huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ chuyển Công văn nêu trên đến UBND tỉnh Thanh Hóa để có biện pháp cụ thể xử lý kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh, trên cơ sở phải đảm bảo tiến độ và nhu cầu cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn, đảm bảo pháp luật về đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2017.

Tuy nhiên, theo văn bản mà PV Thương hiệu và Pháp luật nhận được thì UBND tỉnh Thanh Hóa "đùn đẩy" quả bóng trách nhiệm này cho Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn. Đồng thời UBND tỉnh cũng có Công văn số 5412/UBND - THKH ngày 18/5/2017 về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của Công ty Bình Minh với nội dung vẫn biện minh, "ưu ái" cho dự án Liên doanh Anh Phát - Sông Chu thực hiện dự án nước sạch đặt tại hồ Quế Sơn cung cấp nước cho phía Đông Nam QL1A và một phần phía Tây QL1A cũng như đảm bảo việc cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn điều chỉnh lên 106.000ha.

Việc làm này khiến Công ty Bình Minh cho rằng UBND tỉnh Thanh Hóa và Liên doanh Anh Phát - Sông Chu đang xây dựng nhà máy nước chưa có giấy phép là dự án "chồng" dự án, phá vỡ quy hoạch chung của Chính phủ khi chưa chấp thuận điều chỉnh.

Đề nghị tỉnh Thanh hoá và Công ty Anh Phát – Sông Chu nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 11044/VPCP-CN ngày 20/12/2016, tức là sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ phê duyệt thì dự án nhà máy nước hồ Quế Sơn mới được làm thủ tục đầu tư, trình các cơ quan chức năng thẩm định, cấp giấy phép và đầu tư xây dựng.

>>> Thanh Hóa xây dựng nhà máy nước "siêu tốc": Vì dân hay vì "lợi ích nhóm"?

>>> Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa giải quyết kiến nghị của Công ty Bình Minh

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu