19:55 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tiến sỹ Võ Trí Thành: “Các hãng hàng không tư nhân đã đem lại màu sắc, hình ảnh rất khác của hàng không Việt”

14:57 24/11/2022

(THPL) - Sau triển lãm hàng không cao cấp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, bởi thương hiệu hàng không chung cao cấp của Sun Group là Sun Air và hãng máy bay thương gia Gulfstream, ngành hàng không Việt Nam đã ghi một bước tiến mới trong lịch sử của mình. Vị thế của không chỉ hàng không mà cả du lịch cao cấp của Việt Nam cũng đã từ đây hứa hẹn những bước tiến mới đẳng cấp hơn.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh- tiến sỹ Võ Trí Thành, về những triển vọng này.

Thưa ông, vừa rồi, báo chí nói nhiều về cuộc triển lãm hàng không cao cấp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, bởi thương hiệu hàng không chung cao cấp của Sun Group là Sun Air và hãng máy bay thương gia Gulfstream. Nhiều người cho rằng, sự kiện đã mở một cánh cửa rộng lớn cho lĩnh vực hàng không và du lịch cao cấp tại Việt Nam. Một chuyên gia kinh tế như ông nhìn nhận sao về điều này?

Đầu tiên tôi thấy đây là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Sun Group, tuy nhiên dù anh nỗ lực đến đâu mà người khác không nhìn nhận ra Việt Nam là điểm đến, là nơi kinh doanh khả quan, hiệu quả thì chắc chắn là họ ngần ngại hoặc họ chưa muốn làm. Cá nhân tôi nghĩ đó là sự lớn lên, sự phát triển, mặc dù nó gập ghềnh, không ít sóng gió nhưng Việt Nam đang được coi là một đất nước phát triển khá tốt. Quan trọng hơn là quá trình cải cách, sự ổn định, tiềm năng phát triển rất lớn. Chính sự phát triển này cùng với lợi thế của Việt Nam đã khiến Việt Nam được coi là một trong số những nước có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn, gắn với truyền thống văn hóa, gắn với cảnh thiên nhiên, gắn với những công trình kiến trúc mới cùng chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện. Điểm hút ấy không chỉ đối với tầng lớp đại chúng, mà bây giờ còn đến với những tầng lớp khá giả, tầng lớp có kĩ năng cao, giàu có, khả năng chi tiêu cao muốn có dịch vụ đẳng cấp.

Đối với những tầng lớp này, du lịch, trải nghiệm, khám phá là một phần, bên cạnh đó, họ còn là người quý trọng thời gian, ngoài du lịch đó còn là câu chuyện làm ăn, đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Như vậy, những hãng hàng không này không chỉ đáp ứng về dịch vụ đẳng cấp, bên cạnh đẳng cấp là những điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể tìm hiểu, qua đó để xuống tiền đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngay ở trong nước, những yêu cầu này cũng đã bắt đầu xuất hiện bởi cùng sự phát triển, thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam đã hình thành tầng lớp trung lưu khá nổi bật như nhiều nước ở Đông Nam Á và khu vực, cũng có những tầng lớp giàu và siêu giàu. Họ cũng muốn có trải nghiệm, khám phá, và như tôi đã nói là tăng hiệu suất làm ăn. Do đó, sự xuất  hiện của những hãng hàng không chuyên biệt hay những sự kiện như triển lãm hàng không vừa rồi tôi cho rằng đó là chiến lược quan trọng cho tập đoàn, cho công ty nhưng cũng quan trọng cho đất nước trong giai đoạn mới nếu uy tín của hãng được đảm bảo và ngày càng nâng cấp thì hình ảnh của Việt Nam cũng sẽ được biết đến không chỉ như một điểm đáng đến mà còn đáng sống, đáng làm việc, đáng đầu tư. Đó chính là ý nghĩa lan tỏa tốt của sự kiện này, của hãng hàng không này. Tuy nhiên thách thức cũng rất nhiều, nếu chúng ta thực sự làm đúng nghĩa là hãng hàng không hạng sang.

Cụ thể thì những thách thức đó là gì?

Tôi nghĩ những tập đoàn, doanh nhân họ đặt cược hay xây dựng chiến lược kế hoạch cho một “trò chơi mới”, một phân khúc mới của hàng không thì họ cũng đã tính toán rất kĩ. Qua Air Show vừa rồi, chúng ta cũng thấy, những tập đoàn có tên tuổi nhất họ cũng đặt niềm tin vào thị trường này.

Hãng hàng không hạng sang không chỉ là private jet, tức là sự sang trọng không chỉ riêng gì ở nội, ngoại thất của cái máy bay hay tốc độ, độ an toàn, tính năng kỹ thuật và diện mạo mà còn ở cả những cung cách phục vụ, dịch vụ trong máy bay.

Thách thức nằm ở chỗ xây dựng cả hệ sinh thái đẳng cấp đi theo cái máy bay đó. Muốn đạt được hệ sinh thái ấy thì private jet cùng tất cả các dịch vụ phải cùng một đẳng cấp cao. Tức là các dịch vụ đem tới cho khách hàng, từ lúc đến sân bay, lên máy bay, suốt quá trình bay cho đến khi hạ cánh tới nơi họ muốn trải nghiệm, sống, làm việc, tham quan, hội nghị, hội thảo… đều phải thật đẳng cấp. Trong hệ sinh thái ấy, nơi lưu trú, dịch vụ chăm sóc y tế, những trải nghiệm du lịch đi kèm…, đều phải đáp ứng được những đòi hỏi cao của người giàu, người tài.

Vậy theo ông, Việt Nam đã có được những hệ sinh thái như vậy chưa? Và chúng ta còn còn thiếu những gì?

Việt Nam có những điểm chưa phải là hoàn hảo. Song đó cũng là cái hay bởi khi mình “thấp” thì có nhiều thời cơ để “tiến”, khi “tiến” thì hình ảnh, ấn tượng ngày càng rõ nét, dễ để có thể làm khác biệt với những cái vốn đã có từ lâu trên thị trường.

Còn làm thế nào có được hệ sinh thái ấy rõ ràng bản thân tập đoàn, công ty xây dựng hệ sinh thái ấy đã phải có chiến lược hoặc kết nối hạ tầng. Tức là nếu nhà đầu tư chiến lược có thể kết nối với các nhà đầu tư chiến lược khác, để đảm bảo cho hệ sinh thái vận hành một cách trơn chu nhất, tốt đẹp, đem lại những tiện ích tốt nhất cho khách hàng của mình. Không thể thiếu một bên liên quan rất quan trọng trong hệ sinh thái ấy, đó là vai trò của Chính phủ, chính quyền.

Tôi nhớ có lần được tham gia nói chuyện về cải cách phát triển kinh tế Việt Nam với nguyên Nguyên thủ của một nước châu Mỹ Latin. Trong chuyến công du của mình, vị nguyên thủ có đi thăm một số nước khác ngoài Việt Nam. Ông ấy đi bằng private jet cùng với một tỉ phú. Và trước chuyến đi của ông, một công ty du lịch đã được thuê để khảo sát trước những quốc gia mà ông sẽ đến, để đảm bảo từ di chuyển, lưu trú, ăn uống, tiếp xúc, chia sẻ, tìm hiểu tham quan du lịch… tất cả đều phải hoàn hảo.

Một chuyến đi của khách hàng private jet thôi mà cả một hệ thống phải vận hành xuyên quốc gia, đó là một thách thức không nhỏ đối với không chỉ Sun Air mà với bất kỳ hãng hàng không hạng sang nào. Nhưng tiềm năng của ngành này thì vô cùng to lớn, bởi giới siêu giàu có thể sẵn sàng chi cả vài triệu đô la cho một chuyến đi.

Hàng không Việt Nam, từ chỗ chỉ có một thương hiệu duy nhất, thì nay, như chúng ta đã thấy, có rất nhiều, từ hàng không giá rẻ đến hàng không cao cấp. Ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và vai trò của nó trong sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch?

Vai trò của ngành hàng không thể hiện ở đóng góp của chính nó. Qua việc kết nối, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển đầu tư, sản xuất kinh doanh và thể hiện đằng sau đó là sức lan tỏa. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có điều kiện, nguồn lực, công nghệ… cực kì chú trọng phát triển ngành hàng không như là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Đối với Việt Nam, ngành hàng không đã ra đời lâu, cùng với quá trình đổi mới và cải cách từ năm 90 cho đến thời điểm này, có thể nói ngành hàng không đã có những bước phát triển rất đáng kể và có ý nghĩa.

Là người bay đủ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài rồi, tôi nhận thấy, bây giờ các hãng đã nói đến việc cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam. Khi đã nói đến cạnh tranh nghĩa là thể hiện sự lớn lên của ngành hàng không Việt Nam, và đằng sau đó là sự phát triển không chỉ hàng không nhà nước như Vietnam Airlines mà còn cả các hãng hàng không tư nhân khác; cũng không chỉ các hãng đã hoạt động mà còn sắp sửa hoạt động như Sun Air chẳng hạn.

Vì tầm quan trọng nên câu chuyện vị thế của ngành hàng không đã đi cùng năm tháng và sự lớn mạnh, phát triển của đất nước. Chính vì vậy, khi chúng ta gia nhập rất nhiều hiệp định, mở cửa, gắn kết, hợp tác với các nước, đằng sau vị thế của ngành hàng không cũng là vai trò của Nhà nước trong việc đàm phán để mở cửa bầu trời; không chỉ trong khu vực như Asean, không chỉ song phương mà gần như gắn kết với tất cả các đối tác cơ bản nhất, chủ yếu nhất về thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt trội, thể hiện rõ trong những lĩnh vực như hàng không. Ông đánh giá thế nào về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong ngành kinh tế nói chung và đặc biệt là trong việc phát triển ngành hàng không trong du lịch hiện nay?

Khi nói đến kinh tế thị trường, mình đang muốn xây dựng thành một thị trường hiện đại, hội nhập thì không thể không có kinh tế tư nhân; hay nói cách khác là không có kinh tế tư nhân thì không có kinh tế thị trường, không có cạnh tranh thì không có thị trường. Cạnh tranh ở lĩnh vực dịch vụ như hàng không thì có những thứ khác, tuy nhiên chúng ta thấy sự phát triển sau khi ra đời của các hãng hàng không tư nhân Việt Nam đã đem lại màu sắc, hình ảnh rất khác của hàng không Việt.

Trong nhiều cuộc hội thảo, tôi hay dùng từ “sự cạnh tranh”, chính cạnh tranh đem lại hiệu quả, lan tỏa, đặc biệt là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho đối tác, cho những khách hàng để sử dụng hàng không.

Cùng với đó là việc nâng cấp thương hiệu, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo những tiêu chuẩn quốc tế. Vậy nên các hãng hàng không tư nhân của Việt Nam đã trở thành một bộ phận hữu cơ, kể cả vận tải khách, vận tải hàng, tạo nên thị trường rất sôi động, không chỉ kết nối địa phương trong nước mà cả với thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu