19:23 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu Đạt Phương: Dù đang là "con nợ" vẫn liên tiếp trúng nhiều gói thầu “khủng”

21:12 08/08/2023

(THPL) - Mặc dù có kết quả sản xuất và kinh doanh trong quý II/2023 giảm sút so với cùng kỳ năm trước, tổng nợ phải trả chiếm tới 62,7% nguồn vốn, liên tục vi phạm thuế, dự án trọng điểm bị thu hồi. Nhưng mới đây Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương ( Đạt Phương) đã trở thành nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ làm dự án “khủng” trị giá hơn 1.175 tỷ đồng tại Nam Định.

Lợi nhuận sau thuế giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group, Mã HOSE: DPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023.

Cụ thể, trong quý II năm nay, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 768,5 tỷ đồng.

Doanh thu thuần giảm sút, cùng với việc giá vốn bán hàng tăng 9,1% đã khiến cho lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 121,5 tỷ đồng, tương đương mức giảm 40,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu doanh thu của DPG trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 14%, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 42,9% và 11,7%. Kết quả trong quý II/2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này giảm xuống còn 86,4 tỷ đồng, tương đương mức giảm 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc quý 2/2023, CTCP Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 54,2 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Đạt Phương đạt doanh thu thuần là 1.158 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 51,7%, chỉ đạt 137 tỷ đồng.

 Theo giải trình của Công ty, do doanh thu, lợi nhuận mảng sản xuất điện và mảng bất động sản giảm so với cùng kỳ làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý II năm nay giảm so với quý II/2022.

Đáng chú ý, phần lớn doanh thu của DPG đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng khi thu về 624 tỷ đồng, chiếm 81,2% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý, doanh thu lĩnh vực xây lắp dẫn đầu phù hợp với việc doanh nghiệp đã trúng hàng loạt các gói thầu nghìn tỷ về hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, mặc dù doanh thu từ hoạt động xây dựng tăng 10% nhưng không đủ giúp tổng doanh thu tăng trưởng.

Nợ phải trả chiếm tới 62,7% nguồn vốn

Tính tới ngày 30/6/2023, Đạt Phương có tổng cộng tài sản đạt 6.020 tỷ đồng, giảm 1,92% so với hồi đầu năm nay.

Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm nhẹ từ 3.292 tỷ đồng đầu năm xuống 3.252 tỷ đồng. Về tài sản dài hạn, tới ngày 30/6/2023, DPG ghi nhận giá trị đạt 2.768 tỷ đồng, giảm 2,7% so với con số hồi đầu năm.

Mặc dù tổng tài sản không có quá nhiều biến động so với hồi đầu năm, tuy nhiên tổng nợ phải trả của Đạt Phương tính tới thời điểm 30/6/2023 đang ở mức 3.776 tỷ đồng, chiếm 62,7% cơ cấu nguồn vốn của công ty.

Phần lớn trong tổng nợ phải trả của DPG là nợ vay tài chính với 2.586 tỷ đồng, trong đó 998 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, 1.588 tỷ đồng nợ vay và thuê tài chính dài hạn.

Để vay những khoản tiền này, ngoài việc dùng nhiều tài sản để thế chấp là những phương tiện máy móc phục vụ trong xây dựng, như: ô tô tải; máy xúc, đào, lật; máy ủi; máy lu; trạm trộn bê tông; máy phát điện; búa rung; cẩu trục tháp; vận thăng lồng; tời điện; bơm bê tông tĩnh; giàn ép cọc thủy lực; choòng khoan; quạt thông gió đường hầm; trạm cân ô tô điện tử… và nhiều xe ô tô con, như: Toyota Camry - BKS 30G-279.56; Mazda- BKS 30E-165.87; Toyota Land Cruiser – BKS 30A-578.75;  Toyota For tuner- BKS 29A-594.79; BKS 30G-276.69; Toyota Hilux- BKS 29H-363.56; BKS 29H-363.49; BKS 29C-444.82; BKS 29C-465.88; BKS 29C-446.43; BMW-730LI,  BKS 30G-639.87… cùng các Hợp đồng thi công xây dựng ký giữa Đạt Phương với các Ban quản lý dự án xây dựng các tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Đạt Phương còn thế chấp 15.200.000 cổ phần, (mệnh giá là 10.000 VND/cổ phần), tương đương với 80% vốn điều lệ của Công ty Cổ Phần Đạt Phương Hội An và 61,32% phần vốn góp (tương đương với 116.508.000.000 VND) trong Công ty Cổ phần Sông Bung… tại các Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam Chi Nhánh Thăng Long; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; Ngân hàng TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam Chi Nhánh Hà Nội…

Đạt Phương đang dùng nhiều thiết bị, máy móc phục vụ trong xây dựng thế chấp ngân hàng.

Trong các Ngân hàng mà Đạt Phương có quan hệ tín dụng; VietinBank đang là “chủ nợ” lớn nhất của DPG khi cho vay tổng cộng 1.786 tỷ đồng, con số này chiếm 47,2% tổng nợ phải trả của Đạt Phương tính tới thời điểm 30/6/2023. Trong đó, có 451,7 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 1.334 tỷ đồng vay dài hạn

Về khoản vay ngắn hạn, tính tới thời điểm ngày 30/6/2023, Đạt Phương ghi nhận khoản vay trị giá 451,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Thăng Long, chiếm tới 45,2% tổng nợ tài chính ngắn hạn. Theo thuyết minh báo cáo, công ty cho biết khoản vay này để thanh toán cung cấp công nợ với nhà cung cấp lãi suất áp dụng cho từng món vay được quy định trong khế ước nhận nợ, thời hạn vay từ 06-12 tháng.

Bên cạnh đó, khoản nợ vay dài hạn của doanh nghiệp này tại Vietinbank - Chi nhánh 12 Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền hơn 1.075 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, khoản vay này để thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy thuỷ điện Sơn Trà 1A và 1B với lãi suất thả nổi. Khoản vay được đảm bảo bằng việc thế chấp toàn bộ các tài sản hình thành từ vốn tự có và vốn vay. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp đảm bảo bổ sung là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán điện của nhà máy thuỷ điện Sơn Trà 1A và 1B.

Tiếp đó, khoản vay dài hạn 258,6 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Nam Thăng Long bao gồm: Hợp đồng tín dụng năm 2020 để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà. Tài sản thế chấp là dự án Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà và cổ phần của các chủ sở hữu Công ty; Hợp đồng tín dụng năm 2021 để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án khu đô thị dịch vụ Cồn Tiến, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc khu đô thị…

Mượn tài sản cổ đông cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu

Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, DPG cho biết tính tới ngày 30/6/2023, ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch DPG) và ông Phạm Kim Châu (Phó Chủ tịch DPG) dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thăng Long với số dư nợ gốc và tiền lãi cùng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ số nợ gốc này tối đa là 18.141.000.000 VNĐ.

Ngoài ra, ông Lương Minh Tuấn, ông Trần Anh Tuấn và ông Phạm Kim Châu cũng dùng cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của Công ty. Tính tới ngày 30/6/2023, DPG đang có 62.99.554 cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.

Có thể thấy, để đảm bảo các hoạt động kinh doanh và dòng tiền, DPG đã phải “trông cậy” vào việc đi mượn tài sản của cổ đông có trả phí để cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu…

Trúng nhiều gói thầu nghìn tỷ sát giá

 Những năm gần đây, Đạt Phương liên tiếp trúng hàng chục gói thầu với tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2022, với vai trò độc lập và liên danh; doanh nghiệp này đã trúng 5 gói thầu tổng trị giá 4.526 tỷ đồng, trong đó, nhiều gói chỉ tiết kiệm sát mức 0% so với giá dự toán; như gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) bao gồm: Bảo hiểm xây lắp; Đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế 

Đạt Phương đã trúng thầu gói thầu nêu trên với vai trò liên danh phụ của Liên danh Tân Nam - Đạt Phương - 479 Hòa Bình. Giá dự toán gói thầu này là 2.088,5 tỷ đồng, giá trúng thầu được công bố cũng xấp xỉ 2.088,5 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 45 triệu (tương đương tỷ lệ 0,003%) ngân sách nhà nước…

Ngày 9/2/2023, Đạt Phương trong Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C (Tên viết tắt là: Liên danh Trung Nam E&C - Trung Chính - Đạt Phương - Trung Nam 18) đã trúng gói Gói thầu XL-02: xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2 của chủ đầu tư và bên mời thầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Giá gói thầu là hơn 1.270,3 tỷ đồng. Giá dự thầu là 1.268,7 tỷ đồng. Và giá trúng thầu cũng là 1.268,7 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng thầu rất sát với giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm là không đáng kể.

Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định công bố doanh nghiệp Đạt Phương đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu thi công xây dựng công trình của dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định.

Mới đây nhất, Đạt Phương là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu gói thầu thi công xây dựng công trình của dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng. Trong đó, giá  gói thầu phần xây lắp là 1.175.158.000.000 đồng,  giá dự thầu là  1.174.029.758 .859,048 VND và Đạt Phương đã bỏ thầu với giá dự thầu sau giảm giá là 1.174.029.758 .859,048 VND. Hiện gói thầu này đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định đánh giá hồ sơ dự thầu.

Liên tục vi phạm thuế, dự án trọng điểm bị thu hồi

Cuối tháng 1/2022, Cục Thuế TP Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương số tiền 14,5 triệu đồng. Đồng thời, công ty phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu vào ngân sách Nhà nước là 72,8 triệu đồng và khoản tiền chập nộp 6,5 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Đạt Phương bị xử lý vi phạm về thuế.

Trước đó, cuối tháng 12/2020, Tổng cục Thuế cũng đã ra quyết định xử phạt công ty này do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu) hơn 139 triệu đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị truy thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân năm 2019 lần lượt gần 625 triệu đồng và hơn 71 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn phải trả tiền chậm nộp thuế hơn 57 triệu đồng.

Tiếp đến, cuối tháng 9/2019, Đạt Phương cũng đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt và truy thu hơn 90 triệu đồng cũng với hành vi khai sai thuế.

Về dự án, cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) do Đạt Phương làm chủ đầu tư.

Được biết, khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương là một dự án trọng điểm của Tập đoàn Đạt Phương có quy mô 183,87ha. Trong đó, đất dự án khoảng 179,3ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh Niên ven biển khoảng 4,57ha.

Việc Đạt Phương bị thu hồi dự án đã khiến không ít người bất ngờ, bởi cả 4 dự án bất động sản do doanh nghiệp này phát triển đều nằm tại Quảng Nam bao gồm Khu đô thị Đồng Nà có diện tích 6,4ha; Khu đô thị Cồn Tiến trên diện tích 30 ha; Khu đô thị Bình Dương trên diện tích 183 ha; Quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia có tổng diện tích 15,6 ha.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu