18:40 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin COVID-19 trong nước

09:31 22/12/2020

(THPL) - Chiều ngày 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các phương án nghiên cứu, sản xuất, mua vắc xin phòng COVID-19.

Báo Chính phủ đưa tin, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, cả nước cần tập trung phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động, có trách nhiệm, cụ thể, dù có hay chưa có vắc xin ngừa bệnh; trước hết cần thực hiện tốt thông điệp 5K do Bộ Y tế đưa ra, đồng thời nâng cao tinh thần kiểm soát dịch bệnh tại biên giới.

Thủ tướng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu, triển khai trên tinh thần tạo điều kiện tối đa. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vắc xin của các doanh nghiệp trong nước để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Thủ tướng giao Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của các nước trên thế giới, đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax (của Công ty Nanogen), nhằm sớm có vắc xin trong nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ Công ty Nanogen, đặc biệt tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax giai đoạn 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp (Nguồn: VGP)

Thủ tướng cũng giao Học viện Quân y chủ trì phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm ở người.

Trong đó bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu đạt an toàn sinh học cấp 3 hoặc 4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Quốc phòng ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai đề án này.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý dự toán ngân sách nhà nước có mục mua vắc xin căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế lắng nghe, nắm bắt thông tin từ các kênh khác nhau để có phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ trong thời gian tới.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, báo cáo tại cuộc họp về phương án vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay để ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát.  Tuy nhiên, về lâu dài, các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, vắc xin vẫn là giải pháp quan trọng để thực hiện mục kiêu kép, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ước khoảng trên 70% dân số phải tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, các vắc xin phòng COVID-19 đang nghiên cứu được chỉ định cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, số người ước khoảng 75 triệu người, tương ứng với khoảng 150 triệu liều vắc xin.

Việt Nam đang tích cực tiếp cận với vắc xin của một số nước và tổ chức trên thế giới như Sputnik V (Nga); AstraZeneca (Anh); Pfizer, Moderna (Hoa Kỳ), Trung Quốc...

Được biết, Nano Covax là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người (bắt đầu tiêm từ ngày 17/12/2020). Quá trình thử nghiệm sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiêm trên 60 người được chia làm 3 nhóm với 3 liều tiêm khác nhau (25 mcg- 50 mcg-75 mcg). Mục tiêu của giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn của vắc xin. Giai đoạn 2 sẽ tiêm sau khi giai đoạn 1 tiến hành an toàn, thành công, tiêm trên 400-600 người để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người, có thể mở rộng ra 10.000 đến 30.000 người. Giai đoạn 3 mục tiêu phải đánh giá được tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vắc xin.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu