02:24 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng ra công điện về việc tiêm vaccine và đẩy mạnh phòng, chống COVID-19

10:07 24/02/2022

(THPL) - Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 170/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.

Báo Chính phủ đưa tin, công điện nêu rõ: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo; để giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng chống dịch đã đạt được, tiếp tục mở cửa, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: 

Các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan.

Từ kinh nghiệm trong nước, quốc tế thời gian qua cho ta thấy, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiếp cận nhanh các biện pháp điều trị, thuốc điều trị, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả các quy định phòng chống dịch của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện: 

- Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I năm 2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine. 

- Tổ chức tiêm vaccine an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”; đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, người có bệnh nền, người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế…; xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, đúng quy định. 

Ảnh minh họa

Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan:

- Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định.

- Thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vaccine, thuốc, công nghệ, sinh phẩm, kít xét nghiệm… mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến mới của tình hình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm… Kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

- Tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người nhiễm COVID-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường và thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nhất quán các quy trình, phương án, hướng dẫn trong tổ chức dạy và học chủ động phòng, chống dịch COVID-19 một cách cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát để mở cửa trường học, mở cửa du lịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và phù hợp với tình hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành liên quan tiếp tục cập nhật, hoàn thiện phần mềm và các công cụ công nghệ thông tin phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân.

Các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương liên tục cập nhật thông tin, chủ động xây dựng các chương trình truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ lưỡng, khoa học, hợp lý, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 mới cả nước tiếp tục tăng cao với 60.338 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố trong ngày 23/2. Như vậy, liên tiếp 6 ngày qua (từ 18/2 đến 23/2), số ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 F0/ ngày và theo đà tăng mạnh. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 47.264 ca/ngày.

Tuy số mắc tăng cao nhưng qua thống kê cho thấy số ca tử vong vẫn giữ ở ngưỡng dưới 100 trường hợp. Thống kê trung bình 7 ngày qua, trong đó 6 ngày số F0 vượt mốc 40.000 ca/ngày thì số tử vong là 8 trường hợp.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.972.378 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.092 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.965.092 ca, trong đó có 2.317.905 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh;

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (523.593), Bình Dương (294.644), Hà Nội (218.100), Đồng Nai (100.666), Tây Ninh (89.370).

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu