09:48 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng Chính phủ: Phải giải quyết được "3 cái đọng" trong giải ngân vốn đầu tư công

15:38 16/07/2020

(THPL) - Phải giải quyết cho được “3 cái đọng”, “không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế”. “Anh không làm thì phải có biện pháp với anh, chứ không làm, biết đó mà không xử lý là làm sao?”.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức vào sáng nay (16/7).

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp, đất nước đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch.

Thủ tướng cho rằng, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng, bởi theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Toàn cảnh hội nghị (Nguồn: VGP)

Theo Thủ tướng, trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là chúng ta phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng. Riêng năm nay giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá có tiến bộ hơn là đạt trên 20%, tăng so cùng kỳ khoảng 8%, nhưng còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân.

Thủ tướng cho rằng thực tế hiện nay có tỉnh làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công (đạt từ 45% trở lên) như các địa phương: Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Thủ tướng cũng nêu tên một số địa phương giải ngân chậm: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai.

Theo tạp chí Tài chính, bên cạnh đề nghị các địa phương nêu ra những kinh nghiệm tốt, Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị nêu ra các vướng mắc về thể chế pháp luật theo hướng điều nào, điểm nào, nghị định nào, mâu thuẫn giữa luật, nghị định nào để Trung ương giải quyết.

Thủ tướng cho rằng, hội nghị phải giải quyết cho được “3 cái đọng”, gồm: Thứ nhất là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được; Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”; Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay

Bày tỏ quan điểm kiên quyết, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ kết luận những biện pháp khả thi để thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100% khối lượng vốn năm nay. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương; các tỉnh ủy, thành ủy phải có nghị quyết để phân công đôn đốc và phải có biện pháp mạnh mẽ trong vấn đề này, tuyệt đối không đổ nguyên nhân khách quan này khách quan khác.

Theo báo Chính phủ thông tin, về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết.  Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm.

Thủ tướng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch. “Tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, tới Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì bao nhiêu ngày phải giải quyết xong, chứ không để tình trạng là hồ sơ ngâm quá 1 tuần”.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu