05:15 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thu hút FDI tăng hơn 9%, vượt mốc 31 tỷ USD

Phương Linh (tổng hợp) | 10:18 28/12/2021

(THPL) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 cả nước có 1.738 dự án FDI được cấp mới, giảm 31,1% về số dự án so với năm 2020, nhưng số vốn đăng ký của các dự án mới lại đạt 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước. Vốn đăng ký điều chỉnh có 985 lượt dự án, với tổng vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2020.

Đây được đánh giá là mức tăng rất mạnh, đồng thời là điểm sáng trong bức tranh thu hút FDI cả năm, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn rất khả quan. Trong năm 2021, có 3.797 lượt vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án của Việt Nam, với giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm khoảng 7,7% so với năm 2021.

Theo TTXVN cho hay, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù tổng vốn FDI tăng so với cùng kỳ song số lượng dự án đăng ký năm 2021 giảm khá mạnh. Nguyên nhân là do chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam là một trong những nguyên nhân loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng vào Việt Nam thời gian qua.

“Việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong những tháng dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam cũng làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư,” Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Cùng với đó, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng.

Thu hút FDI tăng hơn 9%, vượt mốc 31 tỷ USD. Ảnh minh họa

Tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều, song có dự án có quy mô vốn lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD.

Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% và Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5%.

Về địa phương thu hút FDI, Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong cả năm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. 

Theo tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, đánh giá về tình hình thu hút FDI trong năm 2021, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, kết quả thu hút FDI năm 2021 đạt được là do Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch COVID-19. Nhờ đó, các doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2021 phục hồi tốt hơn dự kiến cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI.

Mặc dù thu hút FDI năm 2021 đạt được những tín hiệu tích cực, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn năm 2021. Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Trong khi đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI vẫn rất lớn, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi Việt Nam cần kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng đó tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và triển khai dự án.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu