02:59 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thoái hết vốn nhà nước, Vinaconex chuyển sàn chứng khoán đặt lợi nhuận “khủng”

Thanh Huyền | 14:16 24/12/2020

(THPL) - Sau khi thoái hết vốn nhà nước, Vinaconex bất ngờ chuyển sàn chứng khoán và đặt mục tiêu 2.000 tỷ lợi nhuận vào năm 2025.

Tập trung vào hạ tầng giao thông

Chỉ sau 2 tháng khởi công từ ngày 30/9, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được các nhà thầu triển khai thi công vượt xa tiến độ theo yêu cầu.

Trong đó, các gói thầu XL-03, thuộc cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây) và gói thầu XL–04 đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết) với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng do Vinaconex triển khai vẫn đang khẩn trương thi công.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Tại dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, gói thầu có giá trị lớn nhất (XL-03) do liên danh Vinaconex - Trung Chính thi công đã huy động gần trăm thiết bị (máy đào, lu rung, ôtô…) tổ chức 14 mũi thi công trên thực địa (10 mũi thi công đường, 4 mũi thi công cầu). Bên cạnh đó, gói thầu XL–04 đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết cũng đang được Vinaconex huy động tối đa nhân lực với kỳ vọng đạt tiến độ vượt 30% của dự án.

Đáng chú ý, Vinaconex là nhà thầu triển khai gói thầu số 5 thuộc dự án cầu Vĩnh Tuy, dự án cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội xác định khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2021. Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi có thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, gồm 4 làn xe lưu thông.

Cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4km, mặt cắt ngang 19,25m (4 làn xe), chiều cao tĩnh không 11m. Điểm đầu tại Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối tại Km4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh).

Vinaconex chuyển sàn với lợi nhuận "khủng"

Với việc thoái hết vốn nhà nước và liên tiếp trúng gói thầu lớn tại các dự án giao thông trọng điểm, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã quyết định chuyển sàn sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với Mã: VCG) và lên kế hoạch cho chặng đường 5 năm cùng mục tiêu đạt 30.000 tỷ đồng doanh thu và 2.000 tỷ lợi nhuận vào năm 2025.

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh.

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho biết: "Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong 5 năm tới, Vinaconex sẽ đạt tăng trưởng 15 - 25% mỗi năm và tỷ lệ chia cổ tức 12 - 20% mỗi năm".

Cụ thể, Vinaconex tập trung vào ba trụ cột chính: Xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Mục tiêu đến năm 2025, Vinaconex đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận 2.000 tỷ đồng. Trong đó, mảng xây dựng và bất động sản chiếm 70% doanh thu, lợi nhuận.

Mục tiêu của Vinaconex sẽ tăng tỷ trọng mảng bất động sản, còn hiện tại mảng xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Dự kiến đến năm 2025, quỹ đất của doanh nghiệp sẽ tăng lên 5.000 ha. Đặc biệt, Vinaconex đang triển khai giai đoạn đầu cho nhiều dự án du lịch và hướng đến đầu tư năng lượng sạch như thủy điện, một trong những mảng doanh nghiệp có thế mạnh".

Thông tin về các dự án giao thông đang triển khai, ông Đào Ngọc Thanh cho hay: "Hiện nay, Vinaconex đang triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, doanh nghiệp tập trung vào các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị các gói thầu mới trong năm gần 10.000 tỷ đồng".

Vinaconex thoát hết vốn nhà nước tập trung nhiều vào lĩnh vực xây dựng, giao thông, bất động sản.

"Về công trình giao thông, doanh nghiệp đang sở hữu những gói thầu: Gói thầu 3 – XL, (cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) và gói thầu XL – 04 (cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết) với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng, cả dự án này đều đang thi công vượt xa tiến độ; Dự án cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 (Hà Nội) cũng dự kiến sẽ khởi công vào quý I/2021…", ông Đào Ngọc Thanh thông tin.

Cũng theo ông Đào Ngọc Thanh, ngoài các dự án giao thông đang triển khai Vinaconex đang triển khai Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort (1.010 tỷ đồng); hạ tầng chính Khu công nghệ cao Hòa Lạc (1.400 tỷ đồng); gói G thuộc Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, Thủy điện Tân Mỹ; Thủy điện Dak Ba; dự án BW Bàu Bàng,…

Cùng với đó, mảng Bất động sản cũng được Vinaconex tích lũy quỹ đất gần 2.000 ha tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên,… và một số dự án doanh nghiệp đang triển khai như: Dự án 93 Láng Hạ (Hà Nội), Khu đô thị đại lộ Hòa Bình (Quảng Ninh),...

Ngoài ra, Vinaconex cũng vừa khởi công dự án Cát Bà Amatina quy mô 172 ha tại Hải Phòng và trúng đấu giá một số dự án tại thành phố biển Tuy Hòa (Phú Yên), Tam Kỳ (Quảng Nam),... Tại Hà Nội gồm: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp - công nghệ cao Hòa Lạc 2 và Cụm công nghiệp Sơn Đông.

Thông tin tới báo chí ông Nguyễn Doãn Tân, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT) cho biết, công tác thi công của gói thầu XL-03 cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây đang được các nhà thầu triển khai vượt xa tiến độ yêu cầu. Theo hồ sơ mời thầu, sau khi khởi công, các nhà thầu có 45 ngày chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi công từ 15/11/2020.

Ngay sau đó, Liên danh nhà thầu đã xây dựng xong lán trại, phòng thí nghiệm, huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công cả phần đường và phần cầu, sản lượng đã đạt hơn 7 tỷ đồng, vượt tiến độ so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Lý giải về việc thi công vượt tiến, ông Tân cho biết, hồ sơ mời thầu yêu cầu đến 15/11 phải huy động 68 đầu thiết bị, tuy nhiên liên danh nhà thầu đã huy động số đầu thiết bị trên công trường lên tới gần 80.

Thanh Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu