21:57 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thị trường hồi phục, xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu 1,77 tỷ USD

Minh Đức (t/h) | 21:03 23/10/2023

(THPL) - Người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng thị trường nhập khẩu sẽ khởi sắc vào những tháng cuối năm để ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 1,77 tỷ USD.

Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,44 tỷ USD. Trong tháng 9 năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay, với giá trị gần 167 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu lạc quan cho cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu trong các tháng cuối năm.

Theo nhận định của một số chuyên gia, cuối năm là mùa cao điểm phục vụ thị trường lễ, Tết của nhiều quốc gia trên thế giới. Người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng thị trường nhập khẩu sẽ khởi sắc để ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 1,77 tỷ USD.

Tại Việt Nam, hiện có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều, chưa tận thu được máu cá dẫn đến làm tăng ô nhiễm cho nước thải chế biến. Đa phần các hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ truyền thống nên chưa đạt hiệu quả tối ưu, tăng chi phí khiến giá thành sản xuất cao...

Thị trường hồi phục, xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu 1,77 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến ngành cá tra, bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết, các khu vực nuôi cần phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao, tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi. Tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, con giống, thức ăn, kiểm soát bệnh cá để giảm thiểu chất thải tác động môi trường.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư công nghiệp chế biến phụ phế phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng. Doanh nghiệp chế biến cần có sự chuẩn bị và thực hiện tốt nhất trách nhiệm xã hội, nhận thức trách nhiệm xã hội là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam. Để ngành cá tra phát triển bền vững cũng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là phải nghiên cứu đưa ra các giải pháp hợp lý, có tính thực tiễn cao để xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình nuôi cá tra, chế biến cá tra.

Còn theo ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam nhận định, mức tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới khá cao, nhất là ở nước có thu nhập cao, như ở Mỹ, mức tiêu thụ khoảng 22 kg/người/năm. Trong khi đó, ở những nước thu nhập thấp và trung bình lại có mức tiêu thụ cá thịt trắng thấp hơn. Như vậy, dư địa tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại những thị trường có thu thập thấp còn rất lớn.

Trước đó, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của  Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 và tháng 7 mức giảm này thu hẹp còn 15%.

Nửa cuối năm 2023, tỉ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn. “Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, nông dân và doanh nghiệp có nguồn vốn tốt để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tiếp tục trụ vững, thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD, giảm hơn 0,5 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 2,3 tỷ USD”, bà Lê Hằng nhận định.

Theo VASEP, với nhiều tín hiệu tích cực, dự kiến xuất khẩu thủy sản trong quý cuối năm nay sẽ đạt 2,4 tỷ USD, kết quả cả năm đạt trên 9 tỷ USD.

Minh Đức (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu