14:37 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Người nuôi tôm trắng tay sau bão

| 09:18 25/09/2017

(THPL) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, nhiều đầm tôm sắp đến vụ thu hoạch ở huyện Hoằng Hóa đã bị tàn phá. Hàng chục hộ nuôi tôm rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Sau bão, nhiều người nuôi tôm rơi vào cảnh trắng tay.

Thu năm nay buồn

Mùa thu hàng năm, người dân xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) vui vẻ phấn khởi chuẩn bị cho vụ thu hoạch tôm sắp tới. Tuy nhiên vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tràn về đúng vụ thu hoạch tôm, hàng loạt hecta ruộng tôm đã bị cuốn trôi ra biển. Không khí hối hả, phấn khởi thu hoạch tôm năm nào giờ đây đã nhường chỗ cho sự lo lắng, buồn bã. Tôm đã về với biển, công sức mệt nhọc “một nắng hai sương” của người dân trong cả một vụ mùa nay đã theo những cơn sóng dữ cuốn sâu xuống đáy biển.

Ngồi buồn rầu, thất thần bên cánh đồng tôm đã bị sóng biển đánh cho tan tác, ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi, thôn Xuân Phụ) khẽ nói: “Gia đình tôi nuôi tôm được 3 năm nay, chưa lần nào mà gia đình bị thiệt hại nặng nề đến như thế. Đầm tôm nhà tôi chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đánh bắt. Bỗng dưng cơn bão kéo về kèm theo nước to tràn vào đầm, cuốn bay toàn bộ số tôm, giờ muốn nuôi lại cũng khó khăn vì lấy tiền đâu ra mà tu bổ, sửa máy, làm lại đầm. Năm nay, nhà tôi thả hơn 2 triệu con tôm thẻ, ước tính thiệt hại lần này sẽ hơn 2 tỷ đồng”.

Cũng như ông Dũng, ông Nguyễn Văn Hùng ngồi như người mất hồn bên đầm tôm hoang tàn, buồn bã chia sẻ: “Bấy nhiêu công nuôi trồng tôm lâu nay coi như đã bị cuốn trôi ra biển. Vụ nuôi tôm vừa qua, gia đình tôi có vay mượn thêm ít tiền để đầu tư mở rộng việc nuôi tôm. Đâu ngờ, hơn 1ha tôm sắp đến vụ thu hoạch, bỗng dưng bão về cuốn trôi tất cả ra biển. Gia đình nhà tôi luôn trông chờ vào vụ tôm này nhưng giờ bị cuốn trôi ra biển thế này biết lấy cái gì mà trả nợ”.

Mấy ngày sau khi bão tan, nắng ấm lên cao, các hộ dân nuôi tôm ở bãi tôm Hoằng Phụ đã ra bãi tôm tiến hành dọn dẹp rác, thu gom máy móc tại đầm. Nhiều hộ dân nhìn đầm tôm tiền tỷ bị cuốn trôi ra biển mà đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ, rồi trở về trong sự nuối tiếc.

Nợ mới cộng nợ cũ...

Sau khi cơn bão số 10 đi qua, chứng kiến cảnh tan hoang của đầm tôm, một người con trai của ông Nguyễn Văn Hùng đã phải ra tận Thái Bình để làm thuê kiếm tiền gửi về trả nợ giúp bố. Sau khi nhẩm tính những khoản nợ cũ chưa có khả năng để trả, nay lại gánh thêm một khoản nợ mới và một khoản tiền không nhỏ nữa để tu sửa đầm tôm khiến ông Hùng trở nên già hơn so với cái tuổi 59 của mình.

Bên đầm tôm đã bị sóng đánh hư hại nhiều, ông Hùng cho biết: “Sinh nghề tử nghiệp, giờ trót theo nghề rồi, không theo không được. Khi tôm nuôi ai chẳng muốn có được năng suất cao. Không may thiên tai xảy ra nên đành chấp nhận thôi. Giờ muốn bỏ cũng không bỏ được, khó khăn lớn nhất hiện nay là không còn vốn để cải tạo, tu bổ đầm tôm làm lại từ đầu. Giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ để người dân chúng tôi có vốn “làm lại từ đầu” thì mới có trả tiền trả nợ”.

Đồng tôm rộng lớn của người dân xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) tan hoang, xơ xác do cơn bão số 10 gây ra.

Ông Hùng bộc bạch thêm: “Để đầu tư một đầm nuôi tôm thì ít nhất cũng phải mất khoảng 1 tỷ tiền đầu tư đầm, trại. Muốn cải tạo lại đầm nuôi tôm cũng phải mất hơn 1 tỷ. Những hộ nuôi tôm bị trắng tay như vụ mùa này thì coi như nợ nần chồng chất. Gia đình tôi năm ngoái cũng thua lỗ nặng. Qua năm nay, gia đình phải cắm thêm 2 sổ đỏ với hi vọng sau vụ tôm này sẽ trả bớt được số nợ. Nhưng sau cơn bão vừa qua thì nợ chồng nợ mất rồi”.

Cùng chung cảnh ngộ như ông Hùng, chị Đặng Thị Huệ (36 tuổi, thôn Tân Xuân) cho biết: “Nghề nào chứ cái nghề nuôi tôm như đánh canh bạc với trời, đỏ thì được, đen thì coi như mất trắng. Tôi cùng anh em làm gần 3ha, cơn bão vừa rồi cuốn mất 2/3 số đầm nuôi tôm”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: "Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, trên địa bàn toàn xã có tổng số 6 hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất, tương đương với 6 ha bị mất trắng. Ngoài ra, còn có 102 ha đầm tôm ngoài đê bị ngập nước khiến số lượng tôm nuôi bị hao hụt". 

Ông Bình nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi cũng đã thống kê những thiệt hại mà cơn bão số 10 vừa qua đã tàn phá. Điều kiện kinh tế của các hộ dân bây giờ cũng hết sức khó khăn. Khu vực các đầm nuôi tôm thường là gần cửa biển nên không tránh khỏi những sự cố. Hiện địa phương đang tiến hành với huyện thống kê, tìm hướng khắc phục sự cố sau bão và giúp đỡ cho các hộ nuôi tôm”.

Hải Nam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu