17:29 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Một doanh nghiệp thừa nhận xả thải ra sông Mã khiến cá chết hàng loạt

Duy Duẩn | 20:09 12/04/2021

(THPL) - Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết nhiều (chủ yếu là cá nuôi trong lồng) trên sông Mã, đoạn chảy qua huyện Bá Thước, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng cơ quan điều tra Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc, xác minh nguyên nhân cá chết hàng loạt. Bước đầu, đã có một đơn vị thừa nhận xả thải xuống sông Mã.

Trước đó, từ ngày 15/3 đến 8/4 vừa qua, đã có gần 12,4 tấn cá lồng bị chết, và khoảng 380 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được. Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: Đợt 1 từ ngày 15 đến 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 đến 9/4. Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng. UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã.

Lãnh đạo huyện Bá Thước và lực lượng chức năng tìm kiếm đường ống xả thải của doanh nghiệp.

Trong quá trình cơ quan chức năng huyện Bá Thước và cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa truy tìm thủ phạm xả thải ra sông Mã khiến cá chết hàng loạt, bước đầu Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành ở xã Thiết Kế, huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã thừa nhận có xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã vào tối ngày 11/4.

Chiều ngày 12/4, thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, ông Võ Minh Khoa xác nhận, cơ quan chức năng đã xác định được 1 đơn vị xả thải trái phép ra sông Mã. "Qua kiểm tra thực tế và đấu tranh trực tiếp, bước đầu, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành (có địa chỉ đóng tại xã Thiết Kế, Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã thừa nhận việc xả thải ra sông Mã.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước đưa đi kiểm tra xác định rõ nguyên nhân.

"Đơn vị này thừa nhận đã xả thải ra sông vào tối 11/4. Đoàn công tác yêu cầu giám đốc công ty này phải chỉ ra đường ống ngầm được chôn trái phép. Trên cơ sở kiểm tra bể chứa, lưu lượng xả và lời khai của những người có liên quan để cơ quan chức năng kết luận tổng lượng nước thải xả ra sông Mã là bao nhiêu. Cùng với việc lấy mẫu để phân tích xem các chất độc hại như thế nào?" ông Khoa cho biết.

Theo phản ánh của người dân huyện Bá Thước, Công ty TNHH Tân Thái Thanh, ở xã Thiết Kế, huyện Bá Thước cũng bị người dân nhiều lần phát hiện xả thải trái phép ra sông Mã.

Một chủ doanh nghiệp đang trao đổi với lực lượng chức năng tại hiện trường.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cũng đã dẫn đoàn lên kiểm tra, xác minh thực tế. Trong sáng ngày 12/4, đoàn liên ngành đã thuê người dùng móc câu rà toàn bộ mép sông Mã xem có đường ống ngầm hay không. Phía trên bờ, cơ quan chức năng một mặt làm việc với chủ đơn vị để tuyên truyền, vận động, mặt khác tiến hành đào những vị trí khả nghi chôn lấp đường ống ngầm. 

"Chúng tôi đã xác định đường ống xả thải của đơn vị này. Vết nước xả đang còn rất mới, công ty có bịt lại đường ống nhưng chỉ là gần đây. Rõ ràng việc lắp đường ống này là trái quy định và không loại trừ việc xả trộm nước thải ra sông. Cơ quan công an cùng với chính quyền địa phương tiếp tục đấu tranh với lãnh đạo công ty này để làm rõ", ông Khoa cho biết.

Theo đó, trên thượng nguồn dọc 2 bên bờ sông Mã có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến luồng, bột giấy thường xuyên đổ chất thải, nước thải ảnh hưởng tới môi trường. Việc truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm nhằm xác định, làm rõ nguyên nhân khiến cá tự nhiên và cá nuôi lồng của người dân chết để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tại huyện Quan Hóa phía trên thượng nguồn sông Mã (nằm phía trên của huyện Bá Thước) cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đang tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, chế biến dọc sông Mã để truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm.

"Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn kiểm tra đang tích cực vào cuộc tổng rà soát các cơ sở, hộ gia đình chế biến lâm, nông sản trên địa bàn. Tại huyện này có 9 cơ sở chế biến lớn và hơn 20 hộ gia đình có sử dụng các loại hóa chất để chế biến, ngâm ủ luồng.

Năm 2020, hầu hết các đơn vị đã được tỉnh kiểm tra, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, các biện pháp xử lý chất thải, nước thải. Huyện cũng giám sát chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc xả trộm của các đơn vị là có hay không thì phải kiểm tra cụ thể. Khi nào có thông tin, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí", ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết thêm.

Theo thông tin từ huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện hiện có 5 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến luồng).

Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa điều tra làm rõ.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu