00:29 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hoá: Hướng đến sản xuất sạch trong công nghiệp

Thuận An | 09:26 11/07/2024

(THPL) - Thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, cải tổ lại quy trình hoạt động để hướng tới sản xuất sạch hơn.

Chiến lược sản xuất xanh, sạch hơn trong công nghiệp đang được Sở Công Thương Thanh Hóa tuyên truyền, khuyến khích áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng thành công sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Với việc xây dựng đội ngũ tư vấn đủ năng lực, kỹ năng đã giúp cho các cơ sở sản xuất chủ động trong việc lựa chọn và áp dụng các phương thức sản xuất sạch hơn hiệu quả, hướng đến sản xuất xanh hơn, sạch hơn giúp phát triển ổn định, bền vững.

Qua tìm hiểu, tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Thanh Hóa (trước đây là Nhà máy Bia Thanh Hóa), được biết từ năm 2005 Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO14001 trong sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy trình khép kín, với kinh phí trên 17 tỷ đồng. Nước thải trong quá trình sản xuất được Công ty thực hiện thu gom theo hệ thống đường cống rồi chuyển qua hệ thống xử lý nước thải như qua hố thu, bể tách dẫn, bể điều hòa, bể phản ứng hóa chất). Sau đó, nước thải được chuyển sang ngăn tiêu thụ, bể lắng sơ cấp, bể xử lý sinh học yếm khí, bể xử lý sinh học hiếu khí, bể lắng khử cấp và cuối cùng là bể khử trùng rồi mới được thải ra môi trường.

Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO14001 từ năm 2005.

Tại nhà máy của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), từ hơn chục năm về trước, doanh nghiệp đã đầu tư gần 60 tỷ đồng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Trong đó phải kể đến hệ thống xử lý chất thải, như hồ sinh học, nạo vét khơi thông cống, mương thoát nước, trồng cây xanh ven hồ và xung quanh khuôn viên Công ty, tạo không khí trong lành, cảnh quan vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, dự án đồng phát nhiệt - điện từ bã mía với công suất 33,5MW đã giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ sản xuất, giúp doanh nghiệp tự chủ một phần nguồn điện sản xuất, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Lượng điện sản xuất từ nhà máy dư thừa còn được bán lên lưới điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với việc đầu tư xây dựng dự án này, ước tính Lasuco đã tiết kiệm được khoảng 69.570MWh, lượng phát thải giảm khoảng 31.706 tấn CO2.Ngoài ra, Lasuco vẫn luôn tìm tòi và ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thị trường. Điển hình như việc ứng dụng công nghệ lắng nổi, công nghệ trao đổi ion làm sạch dịch đường, công nghệ khuếch tán trích ly đường để giảm thiểu việc phải sử dụng hóa chất và tăng hiệu quả sản xuất, ứng dụng lò hơi cao áp trong sản xuất đồng thời phát điện làm tăng hiệu quả nồi hơi, giảm nhiệt lượng phát thải.

Nhà máy đồng phát nhiệt - điện từ bã mía của Lasuco với công suất 33,5MW.

Còn tại Công ty TNHH Xi măng Long Sơn, để Sản xuất “xanh”, phát triển bền vững, ngay từ khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy, Long Sơn đã quyết định lựa chọn dây chuyền máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhất trên thế giới về sản xuất xi măng. Điều này cho phép Nhà máy Xi măng Long Sơn xử lý và kiểm soát hiệu quả các vấn đề về môi trường. Trong quá trình vận hành, nhiều giải pháp được đưa ra như: Đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện; bố trí hệ thống cây xanh, hồ điều hòa xung quanh nhà máy; lắp đặt các thiết bị hiện đại để giảm thiểu tối đa khói bụi, thực hiện các công tác kỹ thuật để hạn chế tiếng ồn; nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống lắng lọc tự động... góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và xử lý triểt để những yếu tố gây tác động tới môi trường.

Hệ thống máy nghiền công nghệ tại Nhà máy xi măng Long Sơn.

Ở tại các nhà máy sản xuất gạch không nung, nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng thay thế một phần nguyên liệu xi măng trong sản xuất gạch bằng các thành phần phụ gia khác như: bột đá, cát nhân tạo, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 4 - 10% chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Quy trình sản xuất sử dụng xe nâng, máy xúc, hệ thống máy tự động rung ép thủy lực... và vận hành tuần hoàn, khép kín từ khâu đầu vào nguyên liệu đến ra thành phẩm, giúp giảm số gạch không đảm bảo tiêu chuẩn và tái sử dụng để sản xuất.

Thanh Hóa luôn khuyến khích các DN áp dụng những quy trình SXSH hoặc công nghệ sạch, ưu tiên cho phép đầu tư các ngành sản xuất sạch hoặc ít chất thải. Riêng các nhà máy sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, nếu không có khả năng giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường sẽ bắt buộc di chuyển vào các cụm công nghiệp, KCN tập trung. Kiên quyết không cấp phép cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường mà không có khả năng xử lý ô nhiễm. 

Đối với các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cụm làng nghề, Tỉnh khuyến khích các DN đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ sạch và các giải pháp SXSH nhằm giảm thiểu tới mức tối đa chất thải phát sinh.

Với việc chủ động đầu tư và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải tổ lại quy trình hoạt động một cách hợp lý nhằm tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu, nhân công... đang là những giải pháp được nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nỗ lực thực hiện để  hướng đến một nền công nghiệp sản xuất sạch, phát triển bền vững.

Thuận An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu