02:44 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thái Bình: Nhiều sai phạm tại dự án đường cứu hộ, cứu nạn cần được làm rõ

PV | 10:22 23/03/2023

(THPL) - Mượn bản vẽ kỹ thuật từ một dự án khác để “cài” vào hồ sơ mời thầu, thiết kế một đằng, thi công một nẻo, sử dụng lao động không qua tập huấn về an toàn lao động, trên công trường thi công không có đèn tín hiệu, cọc tiêu, dây chăng, biển báo. Xe chở phế thải không giăng bạt, che đậy, mang đất và vật liệu phế thải đi bán… đó là thực trạng đã và đang diễn ra trên công trường thi công công trình đường cứu hộ, cứu nạn qua xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, do Công ty TNHH Xây dựng Quang Trung thi công.

Phản ánh tới tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật, anh Nguyễn Xuân Đ. và một số người dân xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình bức xúc cho biết: Tại dự án thi công công trình đường cứu hộ, cứu nạn qua xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, nhà thầu thi công có dấu hiệu thi công sai thiết kế, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Từ phản ánh của bạn đọc, nhóm phóng viên đã tìm hiểu thông tin về dự án, đi thực tế công trường, và sự việc diễn ra đúng như bạn đọc phản ánh.

Dự án trọng điểm nhưng “mượn” bản vẽ kỹ thuật!?

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn qua xã Tân Phong (huyện Vũ Thư) đoạn từ đường ĐT454 đến đê sông Trà Lý dài gần 3 km, được Nhà nước đầu tư trên 71 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ. Nguồn vốn để triển khai Dự án này từ Trung ương đầu tư về tỉnh. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Vũ Thư (BQLDA) thay mặt chủ đầu tư thực hiện Dự án. Nhưng ngay từ khâu thiết kế, đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công (Công ty CP tư vấn xây dựng hạ tầng Thái Bình) đã  “mượn” bản vẽ thiết kế kỹ thuật từ một dự án khác để đưa vào hồ sơ mời thầu (cụ thể tại trang 357 trong tập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, đơn vị thiết kế đã lấy bản vẽ kỹ thuật của một dự án ở huyện Thái Thụy để “cài” vào hồ sơ) nhưng vẫn được đơn vị thẩm định (Sở Giao thông vận tải Thái Bình) và BQLDA phớt lờ cho qua?

Tại trang 357 của hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, đơn vị thiết kế đã lấy bản vẽ kỹ thuật của một dự án ở huyện Thái Thụy để “cài” vào hồ sơ mời thầu.

Thi công sai thiết kế, “rút ruột” bán bùn, đất để trục lợi!?

Đây là dự án trọng điểm phục vụ dân sinh và công tác cứu hộ, cứu nạn, nên được Nhà nước đầu tư rất nhiều hạng mục và được thiết kế rất bền vững. Nhưng, ngay từ giai đoạn đầu thi công công trình, nhà thầu thi công (Công ty TNHH Quang Trung) đã có dấu hiệu thi công sai thiết kế, “rút ruột” công trình, bán bùn đất, phế thải cho dân…nhằm mục đích trục lợi.

Cụ thể: Ở hạng mục kè, gia cố mái taluy theo thiết kế phải nạo vét hết bùn, đóng cọc tre ngập hết dưới đất sau đó lót đá dăm và đổ bê tông, nhưng đơn vị thi công đã không đóng cọc tre ngập hết dưới đất, không lót đá dăm, đổ bê tông khi lòng sông vẫn còn nhiều bùn và nước.

Không lót đá dăm, đổ bê tông khi lòng sông vẫn còn nhiều bùn và nước.

Ở hạng mục xây kè đá, theo thiết kế trên tấm vải địa kỹ thuật là lớp đá dăm và lớp vữa xây, ở giữa các khe đá hộc chèn đá dăm và trát vữa. Nhưng đơn vị thi công đã không lót lớp đá dăm, lót vữa, mà chỉ xếp đá hộc lên trên tấm vải địa sau đó trát vữa trên bề mặt các khe đá.  

Không lót lớp đá dăm, lót vữa.

Ở hạng mục thi công cống, rãnh thoát nước: Theo thiết kế đệm móng bằng lớp đá dăm, chèn thân cống bằng cát; nhưng đơn vị thi công lại sử dụng đá base để thi công, lấy đất tạp để chèn thân cống. Bên cạnh đó, lớp bê tông đổ bổ sung tại chỗ trên thân cống với lớp bê tông ở phần thân cống đúc sẵn, khi đổ bê tông xong không được tưới nước bảo dưỡng, dẫn đến hiện tượng bị nứt nẻ…

Đơn vị thi công tự ý dùng đá base thay lớp đá dăm để lót, đệm móng

Ở hạng mục đóng cọc bê tông dài 8 mét dưới lòng sông. Đơn vị thi công sử dụng nhiều cọc bê tông đúc không đúng quy chuẩn để đóng, đóng cả những cọc bê tông mà trên thân cột có nhiều đoạn vẫn lộ ra cốt thép…

Nhiều cọc bê tông mà trên thân cột vẫn lộ ra phần cốt thép.

Ở hạng mục thi công nền đường, nhà thầu có dấu hiệu dùng nguồn đất tạp và cát không đúng chủng loại để thi công.

Dấu hiệu sử dụng đất tạp để làm nền đường.

Ở hạng mục thi công mặt cầu, nhà thầu sử dụng đá base để đổ bê tông…

Sử dụng đá base để đổ bê tông mặt cầu.

Không chỉ có dấu hiệu thi công sai thiết kế, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình trọng điểm, mà trong quá trình thi công nhà thầu còn bỏ qua các biện pháp an toàn lao động, đảm bảo giao thông, bảo vệ môi trường… Cùng với đó, đơn vị thi công còn chở bùn, đất và phế thải đi bán cho người dân với giá 200 ngàn đồng/ 1 xe và bán cho một dự án thi công khác trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng (Thái Bình).

Bán đất và phế thải cho người dân ở xã Tân Phong để lấp ao và bán đất cho công trình xây dựng trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng.

Lao động làm việc tại công trường không được trang bị bảo hộ lao động.

Một dự án lớn được Trung ương đầu tư về tỉnh gần 100 tỷ đồng để phục vụ dân sinh và công tác cứu hộ, cứu nạn, nhưng ngay từ khâu thiết kế đến khâu thẩm định hồ sơ và công tác giám sát thi công, quản lý dự án… đã bộc lộ sự yếu kém, nên đã để cho nhà thầu thi công sai thiết kế, sử dụng vật liệu thi công không đúng so với tiêu chuẩn như trong hồ sơ mời thầu…

Việc làm trên của đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công đã gây bức xúc dư luận, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình trọng điểm…nên rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình sớm vào cuộc để làm rõ những sai phạm.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu