02:52 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Số ca mắc cúm A gia tăng, các bậc phụ huynh cần lưu ý

15:21 20/07/2022

(THPL) - Thông thường, bệnh cúm A tăng mạnh ở phía Bắc vào mùa đông xuân (tháng 3, 4) và mùa thu đông (tháng 9, 10) hàng năm. Tuy nhiên năm nay, dịch bắt đầu bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, diễn biến khá bất thường, biểu hiện dịch bùng trái mùa.

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc, số lượng bệnh nhân cúm A đang tăng bất thường. Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ nửa tháng nay, khi số lượng bệnh nhân gia tăng, các giường bệnh tại đây luôn chật kín, có lúc phải kê tạm thêm giường bệnh trong lúc chưa bố trí kịp.

Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 15-25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh...Ngoài lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú, các bệnh nhân cúm A mức độ nhẹ đến khám được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú. Phần lớn trẻ mắc cúm A đến khám Bệnh viện Nhi Trung ương dưới 5 tuổi, ở Hà Nội và 1 số tỉnh thành xung quanh.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), lượng bệnh nhân tới khám và điều trị đều tăng bất thường.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lí nền, phụ nữ mang thai.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), tới sáng 19/7 có khoảng 30 bệnh nhân cúm A đang điều trị, chiếm đa số trong các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Mỗi ngày, khoa này có khoảng 15-20 bệnh nhân tới khám, khoảng 1 nửa trong số này (7 ca) có chỉ định nhập viện.

Không ít bệnh nhân cúm A diễn biến nặng, thậm chí phải đặt ECMO. Điển hình là bệnh nhi ở Nghệ An đang điều trị tại Bênh viện Nhi Trung ương. Sau 1 tuần điều trị ở Nghệ An, bé suy hô hấp nặng, tổn thương phổi, chuyển ra Hà Nội nhanh chóng được can thiệp ECMO.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết bệnh nhi này bị tổn thương phổi rất nặng nề. Các bác sĩ đang duy trì các chỉ số chức năng sống trong giới hạn bình thường nhưng tổn thương phổi rất trầm trọng, phục hồi chậm.

Nguồn: TTXVN

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, qua phân tích có thể thấy cúm A năm nay so với năm 2009 (ngành y tế thống kê 10 năm 1 lần) có nhiều điểm khác nhau. Các triệu chứng bệnh cũng nặng hơn trước. Đáng nói, hiện có 40-45% trẻ bị co giật so với chỉ vài ca năm 2009. Theo BS Hải, trước đây chỉ 1-2 mắc viêm não sau cúm A, nhưng năm nay số lượng bị viêm não lên đến 3-6%.

Viêm não sau cúm với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hiện đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện, theo BS Hải.

Bệnh cúm A thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. "Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lí mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kì", bác sĩ Hải nói.

Báo VnExpress thông tin thêm, nhiều chuyên gia nhận định do thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh, có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi. Thực trạng này có thể gây nguy cơ dịch chồng dịch, vì các ca sốt xuất huyết và bệnh nhân COVID-19 cũng tăng lên vào cùng thời điểm. Ngoài ra, thời tiết ngày nắng gắt, đêm mưa dông cũng là điều kiện bùng phát bệnh truyền nhiễm, sốt virus... ở cả người lớn và trẻ nhỏ, cần đề phòng.

Cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng (do hắt hơi, ho). Bệnh diễn biến lành tính, hồi phục 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, đặc biệt trẻ có bệnh nền, bệnh diễn biến nặng và dễ có biến chứng. Ngoài ra, nhóm người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... cũng cần cẩn trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đảm bảo biện pháp vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối, đồng thời tăng cường dinh dưỡng bằng ăn uống để tăng khả năng phòng bệnh.

Người có biểu hiện bệnh như hắt hơi, chảy nước mũi cấp tính, sốt, đau họng, mệt, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi toàn thân nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.

Tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần chú ý dịnh dưỡng để trẻ nhanh hồi phục. Cho trẻ ăn thực phẩm chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như cháo súp, các món hầm nhừ, nước hầm rau củ... Tăng cường thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo... Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... để hỗ trợ tăng sức đề kháng. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Phụ huynh nên thông báo cho cô giáo, người quản lý nơi trẻ sinh hoạt tập trung, để các trẻ khác có các biện pháp phù hợp phòng bệnh, vệ sinh đường hô hấp, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu