10:56 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Số ca F0 tăng vọt, Hà Nội đối mặt cả biến thể Omicron và Delta

15:03 28/02/2022

(THPL) - Suốt hơn 1 tháng qua, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19. Trước tình hình này, các chuyên gia nhận định, số bệnh nhân tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.

Hiện nay, nhiều địa phương của Hà Nội đang thành điểm nóng về COVID-19. Nhiều trạm y tế phường cán bộ nghỉ quá nửa vì trở thành F0. Thậm chí, nhiều nơi F0 triệu chứng nhẹ vẫn phải đi làm với những phân công công việc phù hợp.

Theo báo điện tử Kiến Thức, bác sĩ Hoàng Thị Hải Ninh - Trưởng Trạm y tế phường Quan Hoa cho biết, phường Quan Hoa còn có thêm đội ngũ sinh viên, dân quân tình nguyện, gồm 48 người, tuy nhiên hiện bị nhiễm virus một nửa. "Trung bình một người nhiễm 7 ngày thì khỏi, vậy trong 7 ngày, phường ghi nhận khoảng 1.400 F0, mà chỉ có 9 nhân viên y tế, bạn tưởng tượng lượng công việc sẽ nhiều thế nào?", bác sĩ Ninh nói.

Từ sau Tết, số ca nhiễm tại Hà Nội tăng vọt, những ngày gần đây đã vượt 10.000 F0 khiến hệ thống y tế cơ sở quá tải. Nhiều phường, quận khác trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế nhiễm bệnh nhưng vẫn phải làm việc.

Nhân viên y tế cung cấp gói thuốc điều trị COVID-19 cho F0. Ảnh: Internet

Ông Lê Đức Thọ - Giám đốc Trung tâm Y tế Hoàng Mai cũng cho biết, tình trạng quá tải ở các trạm y tế do lượng F0 tăng nhanh, trong khi mỗi trạm 6-8 nhân viên. Thậm chí nhiều nhân viên y tế là F0, song vẫn tiếp tục hỗ trợ công việc. Chính điều này dẫn đến công việc bị tồn đọng, người dân mắc bệnh vẫn phải chen chân xếp hàng nhiều giờ để chờ được test nhanh và nộp giấy tờ.

Chia sẻ về tình trạng quá tải tại các trạm y tế cơ sở, ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhân viên y tế mắc COVID-19 vẫn phải làm việc ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. “Nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, sinh hoạt thất thường, không có người thay thế để ngủ nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc điều trị”, ông Phu nói.

Liên quan đến diễn biến dịch, theo báo Tuổi trẻ, trong buổi họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết hiện dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, đã có 2 ngày gần đây phát hiện trên 10.000 ca mắc COVID-19/ngày, 74 xã, phường (12,8%) đã chuyển sang cấp độ dịch 3. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số với tỉ lệ 96%, trong đó, 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà.

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết thêm, tuy chưa có kết quả giải trình tự gene, nhưng trên thực tế có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta.

Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. TP cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26/2 đến 18h ngày 27/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11.517 ca COVID-19, trong đó có 3.887 ca cộng đồng và 7.630 ca đã cách ly.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 26/2, có 466.420 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có 459.364 F0 điều trị tại nhà (chiếm hơn 98,4% tổng ca đang điều trị); 1.386 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận/huyện (chiếm gần 0,3%).

Có 6.030 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị, tương đương gần 1,3% tổng số ca đang điều trị ở Thủ đô. Trong đó, có 360 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 5.670 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội.

Ngoài ra, tổng số lượt bệnh nhân tại Hà Nội được điều trị khỏi là 389.872 người.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu