21:18 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sản phẩm ống thép từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

20:33 11/08/2023

(THPL) - Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan - Trung Quốc do không sử dụng thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc).

Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, ngày 3/8/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra sản phẩm ống thép hàn các-bon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam có lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc) hay không.

Theo đó, DOC kết luận các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan - Trung Quốc do không sử dụng thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc). Đối với các sản phẩm ống thép khác cùng bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (khởi xướng ngày 29/7/2022), ngày 20/7/2023, DOC thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đến ngày 2/11/2023 (thay vì ngày 4/8/2023 như thông báo trước đây).

Sản phẩm ống thép từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 6/4/2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của các vụ việc trên, cho rằng có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ để được miễn áp dụng biện pháp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, hầu hết thị trường lớn đều chuyển hướng sang bảo hộ các sản phẩm. Cạnh đó, trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết với các nước cũng có những quy định rất chặt chẽ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, minh bạch, giải trình và các yếu tố về điều kiện sản phẩm như yếu tố về môi trường, nhân lực, hay việc tuân thủ, thực thi chính sách.

Và nhằm hạn chế, thích ứng với các vụ kiện phòng vệ thương mại, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh này, cần có hành động của chung của cộng đồng doanh nghiệp. Các hiệp hội, tổ chức ngành hàng cần phải bắt tay liên kết với nhau để có thể thỏa mãn các điều kiện ràng buộc đặt ra từ các thị trường nhập khẩu.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhận biết được các vấn đề mà hiện các doanh nghiệp đang vướng, những vấn đề gì cần tuân thủ và cả các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục. Thậm chí cần có các khoản chi phí xử lý chung. Bởi có thể rất nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ vấp phải chung một vướng mắc.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần tự hoàn thiện mình. Và khi có phát sinh xảy ra, cần tích cực hợp tác với cơ quan thẩm quyền thị trường nhập khẩu nhằm cung cấp tài liệu chứng minh hoạt động của doanh nghiệp. Thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để nắm bắt thông tin cần thiết và được hướng dẫn cụ thể. Việc lưu giữ tài liệu, hệ thống kế toán minh bạch, thuận tiện để có thể cung cấp trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu của phía thị trường nhập khẩu là hết sức quan trọng.

Đồng thời, cần chủ động chia sẻ thông tin qua các hiệp hội ngành hàng và phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu