19:42 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quyết liệt, thích ứng, vượt qua mùa dịch... ảm đạm

Lưu Kỳ | 18:53 02/02/2022

(THPL) - Năm 2021, tình hình dịch bệnh đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đất nước, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật gần như bị “đóng băng” hoàn toàn. Giữa nghịch cảnh, toàn ngành văn hóa vẫn quyết liệt, tìm cách thích ứng và “tái xuất” trong bối cảnh “bình thường mới”.

Toàn ngành đối mặt với… “4 không”

Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư sụt giảm… có tác động không nhỏ đến sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngành văn hóa cũng không ngoại lệ với sự thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề ở các lĩnh vực, kể từ đầu năm.

Bệnh nhân F0 tạo hình trái tim cảm ơn văn nghệ sĩ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, năm vừa qua có những thời điểm ngành VHTT&DL phải đối mặt với “4 không” đó là: Không tổ chức chương trình nghệ thuật - Không có các sự kiện thể thao lớn - Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế - Không có các hoạt động nghệ thuật ở cấp quy mô.

Hai dấu mốc quan trọng tác động lớn đến ngành có thể kể đến hồi cuối tháng 1/2021 cũng là thời điểm trước Tết Nguyên đán, làng nghệ thuật lao đao vì các ca mắc Covid-19 tăng ở các địa phương. Khi đó, những lễ hội cũng như các chương trình nghệ thuật lần lượt phải đưa ra quyết định hủy, hoãn.

Sau Tết, dịch cơ bản được kiểm soát, các đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc rục rịch trở lại với các dự án còn dang dở, có thể kể đến các liveshow Tri âm của ca sĩ Mỹ Tâm, Concert the Veston của Hà Anh Tuấn, Hà show của Quang Hà... Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, khiến cho toàn bộ các liveshow hoặc sự kiện âm nhạc trên toàn quốc bị hủy bỏ kể từ đầu tháng 5.

Lĩnh vực phim ảnh đối diện với khó khăn chưa từng có khi rạp chiếu phim phải đóng cửa. Vừa mới “mất mùa” phim Tết, loạt phim như Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ, Trạng Tí của Ngô Thanh Vân, Lật mặt: 48h của Lý Hải... lại phải ngưng chiếu sau khi ra rạp được ít ngày trong dịp 30/4. Tròn 6 tháng đóng cửa, phải đến đầu tháng 11, các rạp chiếu mới chính thức trở lại với một số phim cũ. Các phim bom tấn ngoại dồn lại, xếp hàng đợi, còn các phim Việt mới ấn định lịch chiếu cuối tháng 12 hoặc lùi đến năm sau.

Các hoạt động biểu diễn ở sân khấu kịch, múa, xiếc… cũng gặp vô vàn những khó khăn. Hầu khắp các đơn vị hoạt động cầm chừng những tháng đầu năm, rồi ngừng hẳn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Liveshow Tri âm của Mỹ Tâm diễn ra tại TP.HCM. Ngoài Hà Nội, sân khấu chương trình sắp hoàn thiện thì phải tạm hoãn.

Quả thực, dịch Covid-19 đã khiến cho những nghệ sĩ và những đơn vị tổ chức sự kiện điêu đứng, tổn thất vô cùng lớn về chi phí sản xuất, ảnh hưởng lớn đến tinh thần của cả những người thực hiện cũng như khán giả.

Chưa có bao giờ, giới nghệ sĩ bị “thất nghiệp” trên diện rộng như năm vừa qua. Không ít nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên hậu đài... đã phải tìm thêm nghề tay trái để có thể trang trải cuộc sống như bán hàng online, làm shipper, chạy xe công nghệ…

Cho đến thời điểm cận kề lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 hay Tết Nguyên đán, thị trường âm nhạc, phim ảnh và sân khấu vẫn rất trầm lắng. Covid-19 đã dẫn đến sự bất ổn về tài chính đối với những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ sĩ tự do và đại dịch cũng đang đe dọa sự đa dạng và ổn định trong tương lai của ngành.

Lạc quan, thích ứng, sẵn sàng trở lại

Giữa bộn bề khó khăn, toàn ngành đã cùng nhau nhìn lại, tiếp cận theo hướng tích cực, từng bước tìm cách thích ứng an toàn.

Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị đã có “phản ứng nhanh” khi tổ chức những chương trình nghệ thuật diễn không khán giả, ghi và phát trên sóng truyền hình như: Những ngôi sao bất tử, Những mùa thu lịch sử, Giai điệu Việt… Chuỗi chương trình nghệ thuật online Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch trên các kênh sóng truyền hình, nền tảng công nghệ số, mạng xã hội… được khán giả đón nhận.

Rất nhiều chương trình nghệ thuật… online kết nối các nghệ sĩ với khán giả, để họ được biểu diễn và quyên góp thiện nguyện, kêu gọi sự chung sức của các nhà hảo tâm, chung tay chống dịch. Các chương trình như San sẻ yêu thương vượt qua đại dịch (do Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức), Thành phố 18h (do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM cùng một số đơn vị tổ chức), Sing for life - Sing for love (TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp các đơn vị thực hiện)… đã quy tụ dàn nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn, gây quỹ.

Đàm Vĩnh Hưng hát tại bệnh viện dã chiến.

Tại “tâm dịch” Sài Gòn, nhiều nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, bằng những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Cùng với đó, các nghệ sĩ cũng tới các bệnh viện dã chiến biểu diễn, mang đến món quà tinh thần ý nghĩa cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng tình nguyện tuyến đầu. Phần biểu diễn của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh... đã góp phần lan tỏa tinh thần lạc quan đến cộng đồng, động viên tinh thần đoàn kết, vững tin chiến thắng dịch bệnh.

Các nghệ sĩ sân khấu cũng không hoàn toàn nghỉ ngơi ở nhà trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, họ tranh thủ tập luyện thành những nhóm nhỏ, tập bài mới, vở mới để chờ ngày được lên sân khấu biểu diễn. Các nghệ sĩ chuẩn bị sẵn tâm thế, chỉ chờ dịch cơ bản được kiểm soát là có thể hoạt động trở lại.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến thu dung số 3.

Đại dịch cơ bản được kiểm soát, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sản xuất chương trình, phim ảnh... đã rục rịch tái khởi động trở lại ở Hà Nội và một số tỉnh thành kể từ cuối tháng 10, theo hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTT&DL. Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo sự an toàn trước hết, mọi hoạt động đều đang trong tình trạng… cầm chừng và hạn chế. Các nghệ sĩ xác định tinh thần sống chung với dịch bệnh và chưa biết bằng cách gì, chưa biết đến khi nào mới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu Covid-19.

Lưu Kỳ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu