22:00 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quy hoạch sân bay: Cẩn trọng trong tính toán xây dựng, vì lợi ích xã hội, tránh lãng phí

Tuấn Việt | 15:10 05/03/2023

(THPL) - Bộ GTVT mới đây đã đề xuất rà soát 12 vị trí sân bay địa phương để lựa chọn đưa vào dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cấp thiết cẩn trọng trong tính toán xây dựng, vì lợi ích xã hội, tránh lãng phí hay kinh doanh bù lỗ.

Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không (CHK) toàn quốc, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 28 CHK bao gồm 14 CHK quốc tế, 14 CHK nội địa, đến năm 2050 dự kiến là 31 CHK trong đó 14 CHK quốc tế, 17 CHK nội địa.

Hiện tại, Việt Nam đang có 22 sân bay. Cụ thể là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Rang, Đồng Hới, Điện Biên Phủ, Vinh, Thọ Xuân, Phù Cát, Phú Bài, Pleiku, Tuy Hòa Cần Thơ, Chu Lai, Liên Khương, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo.

22 sân bay trên phục vụ trên 150 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh có tần xuất hoạt động 150% công suất thiết kế trung bình một năm, còn lại đều hoạt động dưới công suất thiết kế. Nhiều sân bay như Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá,,, chưa đạt 20% công suất thiết kế.

Nhiều sân bay chưa khai thác hết công suất thiết kế (ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường (Bộ Tài chính) tại nhiều cuộc hội thảo trước đây đã từng nhấn mạnh vai trò quan quan trọng của ngành hàng không trong việc  tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông luôn quan ngại đến yếu tố đầu tư. Minh chứng là trong 22 CHK theo báo cáo thường niên chỉ có 6 CHK kinh doanh có lãi, còn lại đều ở trạng thoái duy trì bù lỗ. Chính vì vậy, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng CHK mới cấp thiết cần tính toán cho hợp lý, tránh tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay, không hiệu quả kinh tế.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung cảng hàng không trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng. Song dựa trên yếu tố địa lý, dân số, tình hình phát triển kinh tế xã hội... Bộ GTVT hiện mới đề xuất đưa vào quy hoạch 2 sân bay là sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) và sân bay Biên Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Các sân bay còn nhiều ý kiến trái chiều để đưa vào quy hoạch cần đánh giá lại là sân bay Mộc Châu (thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La), sân bay Yên Bái, (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), sân bay Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên, cách TP Hà Tĩnh), sân bay Măng Đen (huyện Kon Plông, TP Kon Tum), sân bay Lý Sơn, (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), sân bay Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), sân bay Đăk Nông (huyện Đăk Glong, TP Gia Nghĩa), sân bay Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), sân bay Tân Quang (Hà Giang) và sân bay (Tuyên Quang).

“Hiện nay, nhiều địa phương đã trình đề xuất xây dựng CHK, sân bay là nhu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên,  muốn thực hiện được điều đó, cần phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, phân tích hiệu quả kinh tế xã hội, thuyết minh cho sự cần thiết khi xây dựng sân bay. Ở đây, theo ý kiến cá nhân, phải giải quyết triệt để được câu hỏi khi đầu tư CHK, sân bay, chủ đầu tư, địa phương và Nhà nước được lợi ích gì và quan trọng hơn cả người dân sẽ được lợi như thế nào? Thay vì đầu tư CHK công suất lớn nên chăng hướng tới những sân bay nhỏ, đảm bảo lợi ích lẫn nhu cầu”, PGS.TS Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tại “Hội thảo Vị thế và phát triển ngành hàng không” mới đây nhấn mạnh,

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Đồng, Indonesia là quốc gia sở hữu nhiều sân bay nhất với khoảng 683 sân bay, song cũng chỉ có 34 CHK là sân bay thương mại. Tại Malaysia, hiện đang có 66 sân bay nhưng cũng chỉ có 38 sân bay phục vụ mục đích thương mại.

Liệu xây dựng các CHK, sân bay lớn sẽ gây lãng phí (ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện tại theo quy hoạch của Bộ GTVT phần lớn đều là CHK, sân bay lớn mà thiếu hệ thống sân bay nhỏ. “Nếu giữa các địa phương đã là những sân bay chưa sử dụng hết công suất thì việc thêm các dự án sân bay lớn sẽ gây lãng phí. Việc mở đường bay nên vì nhu cầu lợi ích xã hội hơn chỉ là lợi ích của số ít doanh nhân và cán bộ đi công tác? Đơn cử như sân bay Yên Bái, nếu di chuyển theo đường cao tốc lên đến sân bay Nội Bài cũng chỉ mất 1h đồng hồ. Hay sân bay Hà Tĩnh, quay ra TP Vinh hay chạy ngược vào Đồng Hới cũng không mất nhiều thời gian. Ở đây hiệu quả sân bay nhỏ có lẽ cần thêm tính toán”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu hành khách đến năm 2030 đều vượt trên con số 2,2 triệu/hành khách/năm. Tuy nhiên, con số này liệu có lạc quan cho thấy nhu cầu xây dựng CHK, sân bay là cấp thiết? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khi góp ý vào Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 trước đây có nhận xét: Đừng nhìn nhận sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương để áp sang nhu cầu hành hành hàng không. Nên rà soát, đánh giá tổng thể ở mọi mặt mới đưa ra được thông số chính xác. Nếu địa phương chỉ khoảng 200.000 – 400.000 hành khách/năm, thì xây dựng sân bay nhỏ là hợp lý. Xây dựng sân bay lớn sẽ lãng phí, bản thân cũng sẽ rất khó kêu gọi đầu tư. Còn đầu tư đổi đất lấy hạ tầng, đối với địa phương rất có thể lợi bất cập hại.

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu