12:36 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán Ngân sách Nhà Nước

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội | 09:22 01/11/2019

(THPL) - Ngày 31/10, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc. Tại Phiên họp hôm nay, 4 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải trình thêm các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi, quan tâm.

Thảo luận toàn thể tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ cơ bản đồng tình với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc điều hành bộ máy nhà nước, để có những con số phát triển ấn tượng; đồng thời đồng tình với những nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp.

Mở rộng địa giới hành chính Tp. Huế là nhu cầu khách quan

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế, đề cập tới dự án điều chỉnh địa giới thành phố Huế và các vùng phụ cận. Đại biểu cho biết, hiện nay Tp. Huế đang quá tải về hạ tầng và quy mô thành phố trở nên quá chật, quá nhỏ cho sự phát triển của một đô thị di sản với quy mô diện tích thành phố là 70 km2, dân số 345.000 người, mật độ dân cư hơn 5.000 người/km2, gấp đôi mật độ bình quân ở các đô thị. Mật độ xây dựng đã đạt trên 80%. Đại biểu nhấn mạnh, Tp Huế đang đứng trước áp lực gia tăng dân số. Do vậy, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế đang là nhu cầu khách quan, để người dân có cuộc sống tốt hơn; thúc đẩy bảo tồn, phát huy di sản cố đô Huế.

Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ phát biểu ý kiến.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý rằng, việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính với một số địa phương lân cận. Vì thế tỉnh Thừa Thiên – Huế cần nhận được sự hỗ trợ chỉ đạo để hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính này.

Cần phát triển cơ sở hạ tầng của đồng bằng Sông Cửu Long

Quan tâm đến cơ sở hạ tầng của đồng bằng Sông Cửu Long, đại biếu Quốc hội Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho biết phần lớn các cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long là cảng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ xếp dỡ hàng, thiếu các cảng cảng chuyên dùng cho container. Do đó, 70%-80% hàng hóa của khu vực phải dồn lên Tp.Hồ Chí Minh bằng đường bộ để xuất khẩu. Điều này tăng thêm chi phí, tạo áp lực lên Tp. Hồ Chí Minh. Đại biểu cho rằng, cơ sở hạ tầng của đồng bằng Sông Cửu Long phát triển chậm trong khi đây là vùng đồng bằng châu thổ, vựa lúa lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, vì nguồn lực hạn chế nên các tuyến dọc trục ngang và quốc lộ huyết mạch tại đồng bằng Sông Cửu Long cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm một số dự án cấp bách như Trung lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, sớm nâng cấp mở rộng các trục quốc lộ ngang để kết nối quốc lộ, cao tốc phía đông trong tương lai. Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất rất mâu thuẫn và nghịch lý; không thể để tình trạng nơi là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng lại kém nhất như vậy.

Quan tâm, hỗ trợ Tp. HCM xây dựng trung tâm tài chính mang tầm quốc tế

Đánh giá cao tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, giảm tốc, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, vừa có thuận lợi, vừa không thuận lợi. Về mặt không thuận lợi, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, Trung Quốc giữ giá trị đồng nhân dân tệ, Việt Nam chúng ta nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc cao, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. Chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 29 tỷ USD, cao hơn năm 2018.

 Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường.

Về mặt thuận lợi, đại biểu cho biết, khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Việt Nam sẽ thuận lợi. Việt Nam đã xuất 49,9 tỷ USD vào Mỹ, tăng 26,.6% so với cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong khi nhiều nước đang đang bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, Việt Nam cần quan tâm thị trường trong nước; cần triển khai hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới thích dùng.

Đại biểu cũng đề nghị, Nhà nước cần quan tâm đến thị trường tín dụng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, tránh để nợ xấu quay lại. Chính phủ cũng cần tái cơ cấu thị trường tài chính, biến chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm và có sự hỗ trợ để Tp. Hồ Chí Minh xây dựng phát triển thành công trung tâm tài chính tiền tệ mang tầm quốc tế.

Theo Chương trình làm việc, chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu