12:33 ngày 15/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật dân quân tự vệ (sửa đổi)

11:12 28/10/2019

Sáng ngày 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) trước khi thảo luận toàn thể tại Hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Luật). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đa số ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo và dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đồng thời có một số ý kiến đóng góp cụ thể. 

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội như sau:

Về tên gọi của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cụm từ “Dân quân tự vệ” tại tên dự thảo Luật đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009; cụm từ này dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần của lực lượng vũ trang. Theo quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức nhưng thống nhất về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ. Mặt khác, tên gọi “Dân quân tự vệ” gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng này qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không vướng mắc. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV sáng ngày 28/10.

Về nhiệm vụ của Dân quân tự vệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, thể chế các nghị quyết, kết luận của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam, cụ thể hóa các quy định của Luật Quốc phòng liên quan đến Dân quân tự vệ và thống nhất với vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương, cơ sở. Dự thảo Luật quy định Dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng tại khoản 4 là phù hợp với trình độ sản xuất phát triển, việc ứng dụng, mở rộng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, được đào tạo và tiếp cận với khoa học công nghệ, nên có trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 13 Luật Quốc phòng đã quy định nội hàm của phòng thủ dân sự, trong đó Dân quân tự vệ là một trong các lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này . Hiện nay, ngoài việc phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, Dân quân tự vệ đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Do đó, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ này là phù hợp với Dân quân tự vệ nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau, quy định độ tuổi tham gia Dân quân tự vệ cơ bản kế thừa Luật Dân quân tự vệ hiện hành, đã thực hiện ổn định, để bảo đảm cho Dân quân tự vệ có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia Dân quân tự vệ. Việc cơ quan, tổ chức tuyển dụng công dân cũng là nguồn tuyển chọn vào tự vệ. Mặt khác, dự thảo Luật quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhằm khắc phục tình trạng ở một số địa phương, cơ quan tổ chức thiếu người để tổ chức đơn vị Dân quân tự vệ; đồng thời tạo điều kiện, thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong Dân quân tự vệ biển và giữ các chức vụ chỉ huy đơn vị. Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào Dân quân tự vệ không lớn (chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi); nếu tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ lên 5 năm và kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ này đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự của Dân quân tự vệ, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng ngày 28/10.

Về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn..., tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống; đồng thời không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, vì nhu cầu tổ chức Dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đối với người đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông thuộc đối tượng tạm hoãn đã được quy định tại điểm h khoản 1 Điều này. Trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên nếu tạm hoãn, miễn cho họ sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Mặt khác, hằng năm thời gian huy động DQTV để thực hiện nhiệm vụ không nhiều (trung bình từ 20 đến 30 ngày) nên không ảnh hưởng nhiều đến gia đình của Dân quân tự vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương, vì đều phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước; chỉ đạo, hướng dẫn Dân quân tự vệ theo lĩnh vực, ngành mình phụ trách; đồng thời, có trách nhiệm tổ chức xây dựng Dân quân tự vệ ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền và ở địa phương. Tuy nhiên, để quy định chặt chẽ, bảo đảm tính hệ thống, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 43 như Dự thảo trình Quốc hội và giữ Điều 40, 41 và 42. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến khác của các đoàn đại biểu Quốc hội, chỉnh lý lại một số điều khoản của dự thảo Luật cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu