14:35 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phường Yên Nghĩa- Q.Hà Đông: Cần làm rõ dấu hiệu cố ý hủy hoại tài sản của người dân

10:15 11/08/2020

(THPL) - Sáng ngày 9/8 vừa qua, phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật nhận được thông tin qua đường dây nóng về vụ việc cưỡng chế phá dỡ có dấu hiệu không đúng quy định pháp luật tại công trình xây dựng trên thửa đất của ông Nguyễn Văn Trình ở tổ dân phố số 3, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

Có mặt tại hiện trường ngay sau đó, phóng viên chứng kiến một số người tự giới thiệu là các cán bộ phường Yên Nghĩa, bao gồm Công an, địa chính phường...đang chỉ đạo lái xe máy xúc tiến hành bóc dỡ lớp bê tông trên bề mặt khu đất. Khi PV đề nghị cán bộ địa chính phường Yên Nghĩa cung cấp quyết định cưỡng chế thì được vị cán bộ này cho biết: Không có văn bản hay quyết định cưỡng chế nào của phường, lực lượng chức năng phường đang thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với công trình vi phạm trên đất nông nghiệp theo chỉ đạo…miệng của ông Nguyễn Bá Tiến - chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa.

Xe máy xúc đang phá dỡ nền bê tông
Cán bộ địa chính phường Yên Nghĩa cầm tập tài liệu trong tay nhưng không có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến vụ cưỡng chế!

Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa có chỉ đạo cấp dưới hủy hoại tài sản của người dân?

Trao đổi với PV tại hiện trường, anh Nguyễn Văn Hiền (thường trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), là người thuê mặt bằng để khai thác kinh doanh, cho biết: “Tôi có làm hợp đồng thuê thửa đất số 620, diện tích 302 m2, tờ bản đồ số MBGD số 00368 tại Đường Thanh Lãm, Phường Yên Nghĩa, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội để làm mặt bằng kinh doanh. Sáng nay, các công nhân được tôi thuê đang tiến hành hoàn thiện mặt bằng thì có đoàn tự xưng là các cán bộ phường Yên Nghĩa tiến hành cho xe ủi vào phá dỡ công trình bị các đồng chí cho là vi phạm, trong khi tôi là người thuê để khai thác kinh doanh thì không biết gì về việc tháo dỡ này. Tôi trực tiếp hỏi đoàn cán bộ phường nhưng không nhận được giải đáp thỏa đáng, đề nghị được cung cấp quyết định cưỡng chế nhưng cũng không có quyết định cưỡng chế. Tôi đã đề nghị các đồng chí dừng hành động hủy hoại tài sản của tôi khi chưa có quyết định cưỡng chế, nhưng tôi chỉ nhận lại thái độ thách thức, lời nói có phần dọa nạt”.

Anh Nguyễn Văn Hiền cũng bức xúc cho biết thêm: “Tôi đã thống kê chi phí thiệt hại ước tính khoảng hơn 30 triệu đồng. Hành động tùy tiện hủy hoại tài sản của các cán bộ này đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của tôi với đội ngũ cán bộ và lãnh đạo phường Yên Nghĩa”.

Sau khi sự việc này xảy ra, phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật đã gọi điện thoại nhiều lần trong nhiều ngày đến đường dây nóng của chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa (Số điện thoại công khai 0982388499 của ông Nguyễn Bá Tiến - Chủ tịch UBND phường) nhưng điện thoại không lần nào liên lạc được. PV cũng đã đến trụ sở UBND Phường Yên Nghĩa để trao đổi trực tiếp thông tin nhưng không thể gặp được vị chủ tịch phường này.

Số điện thoại công khai 0982388499 của ông Nguyễn Bá Tiến - Chủ tịch (trước đây là phó chủ tịch) UBND phường Yên Nghĩa nhưng không thể liên lạc. 

Người dân có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại

Trao đổi với phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật về sự việc vừa nêu, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Văn phòng Luật sư Hoàng Hùng, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biểt: "Theo quy định, để cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm, đầu tiên UBND phường phải lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính trước. Sau khoảng 10 ngày đương sự phải tự phá dỡ. Nếu đương sự không tự phá dỡ thì chính quyền phường mới ra quyết định cưỡng chế gửi đến người vi phạm (khi gửi quyết định cưỡng chế phải có chữ ký của người nhận). Sau khi ra quyết định cưỡng chế còn phải vận động, giải thích 1, 2 lần để người vi phạm hiểu và tự phá dỡ. Sau khi vận động mà người vi phạm không tự phá dỡ thì mới tiến hành cưỡng chế. Trước khi cưỡng chế cũng phải có kế hoạch của ủy ban nhân dân phường rồi gửi thông báo trước trực tiếp đến người bị cưỡng chế là đến ngày a, ngày b…sẽ đến cưỡng chế. Lực lượng cưỡng chế gồm những ai..."

Luật sư Nguyễn Quang Hùng khẳng định, "hành vi cưỡng chế công trình vi phạm nếu đúng như phản ánh là hoàn toàn trái pháp luật, bỏ qua các quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…và người dân có quyền khởi kiện, yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường thiệt hại, tổn thất".

Như vậy, bước đầu có thể nhận thấy một số cán bộ, công chức ở phường Yên Nghĩa, đứng đầu là chủ tịch UBND phường Nguyễn Bá Tiến, đã có dấu hiệu lạm quyền, làm trái pháp luật khi thi hành công vụ, tạo bức xúc không đáng có trong dư luận nhân dân. Ở vị trí công việc đó, những cán bộ này hiểu biết rõ pháp luật hơn ai hết, nhưng vì sao họ dám “vô thiên, vô pháp” hủy hoại tài sản của người dân như vậy?

TCĐT Thương hiệu và Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng của quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc, làm rõ những dấu hiệu trái pháp luật, gây bức xúc dư luận trong vụ việc này.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Sỹ Lam

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu